Người đi vỡ đất

13 tháng 3 2012

Người châu thổ sông Hồng lên Lào Cai khi nào?

Ngày 18/3/2012 tới Hội đồng hương Hải Phòng tại Lào Cai tổ chức KỶ NIỆM 50 NĂM NHÂN DÂN HẢI PHÒNG XÂY DỰNG KINH TẾ-VĂN HÓA-QUỐC PHÒNG TẠI TỈNH LÀO CAI (1961-2011). Trong những ngày này, khi tham gia Đại hội ở các Chi hội, trong lúc đàm đạo với các bậc cao niên tôi chợt nghĩ: người đồng bằng nói chung và người xứ Đông nói riêng lên Lào Cai từ bao giờ?, trong hoàn cảnh nào? Nghĩ vậy, lao đi tìm tư liệu nhưng chỉ thấy vài điều ít ỏi. Đành chép lại, chờ bổ sung dần.

Dẫu không được sử sách nhắc nhiều đến như Chi Lăng bên Xứ Lạng nhưng trong quá trình dựng nước và giữ nước của Việt tộc, do vị thế ở nơi “phên dậu quốc gia” lại có đường thủy, đường bộ dẫn về trung tâm đất nước nên vùng đất mà nay là Lào Cai luôn là điểm nhạy cảm, được Nhà nước Việt Nam các thời quan tâm. Các triều đại phong kiến, khi thu phục được vùng đất này đã xóa bỏ thể chế “ky mi” 羈縻 (dung dưỡng) thay bằng cử “thổ quan” 土官 để gián trị. Triều Trần đã đặt chức Trấn phủ sứ 鎭撫使 là người Kinh[1] bên cạnh việc vẫn dùng các tù trưởng 酋長, thổ ty 土司 có thế lực làm Tri châu 知州, cấp lộ đặt An phủ sứ 安撫使 lại có Phiêu kỵ Đại tướng quân 骠騎大將軍 thống lĩnh Trấn biên viễn. Các thời kỳ sau, dần thi hành chế độ “lưu quan” 留官, phái quan cai trị 留任, cắt quan trông coi việc buôn bán, cung cấp hàng thiết yếu. Không thiếu các lần triều đình còn gả công chúa hoặc con gái đại thần cho thổ tù tỏ sự tin tưởng và tiện quản lý. Đây có lẽ là những cư dân người Kinh đầu tiên từ đồng bằng ngược lên miền biên viễn.
Trong thực tế xã hội, sau một thời sống, quần cư tại quê hương bản quán, cá nhân, gia đình hay một nhóm người ra đi để tìm chỗ ở tốt hơn, phù hợp hơn nơi ở cũ. Sự ra đi đó, gọi là di cư (A: Human migration, H: 人口遷徙). Di cư của người có thể là đi tìm kế sinh nhai; do tránh chiến tranh, thiên tai hoặc bởi lý do chính trị[2]. Ở làng quê nào, trong thời kỳ nào cũng có những cuộc di cư như thế. Tùy hoàn cảnh mà có thể di cư nội vùng, đến vùng khác, thậm chí sang quốc gia khác; có tổ chức hay tự phát.
Lịch sử như một vòng xoáy: người Việt cổ vốn có cội nguồn ở khu vực miền núi và trung du. Khi những người Việt cổ rời bỏ cuộc sống hang động ở rừng núi cũng là lúc mà họ tiến xuống cư trú tại đồng bằng, xứ sở sông nước mênh mang. Từ đây họ bắt đầu cuộc chung sống với sông nước để dần bắt đầu chinh phục và chinh phục chiến thắng vùng châu thổ sông Hồng. Công cuộc ấy kéo dài gần trọn thiên niên kỷ I trước công nguyên, tức cách ngày nay gần 3.000 năm đến hơn 2.000 năm trước. Hàng ngàn năm sau, đồng bằng trở lên đất chật, người đông lên hậu duệ của những cư dân khai phá đồng bằng năm xưa lại ngược bước chân tổ tiên mình lên miền núi khai hoang những vùng “đất rộng người thưa”. Trong tiến trình đó, giữa đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai có quan hệ chặt chẽ, sâu sắc trước hết dưới góc độ tự nhiên kéo theo là về kinh tế, chính trị,  văn hóa và giữa người Kinh “dưới xuôi” với các tộc người ở “miền ngược” có quan hệ giao lưu, tiếp biến từ rất sớm. Trong đó có việc di dân từ vùng châu thổ sông Hồng lên “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”. Cùng với dân bản địa, những người mới đến đã nhanh chóng hòa nhập, góp công, góp sức, góp trí tuệ, đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng, bảo vệ vùng “phên dậu quốc gia” Tây Bắc này, trở thành người Lào Cai thực thụ[3] . Đồng thời với nguồn gốc dân cư như vậy nên tạo cho Lào Cai một sắc thái văn hóa đặc biệt.
Việc di dân từ vùng châu thổ lên “mạn ngược” nhiều, có kế hoạch và được sách báo chép lại nhiều khởi đầu từ thời sau khi Pháp đã bình định xong Bắc Kỳ. Đặc biệt khi Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise,東洋聯邦), đôi khi gọi là Đông Dương thuộc Pháp (Indochine française) hoặc Đông Pháp, là thuộc địa dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp nằm ở khu vực Đông Nam Á được thành lập. Khu vực này bao gồm Nam Kỳ (Cochinchine), Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Campuchia được thành lập theo Sắc lệnh của Chính phủ Cộng hoà Pháp ký ngày 17 tháng 10 năm 1887 và sau đó Tổng thống Pháp, vào ngày 18/4/1899 ra Sắc lệnh sát nhập thêm Lào, ngày 05/01/1900 thêm Quảng Châu Loan thì việc cai trị toàn cõi của Pháp gắt gao hơn. Đứng đầu Liên bang là viên Toàn quyền (Gouverneur Général de l'Indochine française từ 1887 đến 1945) hay một Cao ủy (từ 1945 đến 1954) của chính phủ nước bảo hộ Pháp, thủ phủ đặt tại Hà Nội. Khi đó, với vùng Yên Bái, Lào Cai nay, thực dân Pháp đã áp dụng chế độ “Đạo Quan binh” nhằm khống chế, đàn áp phong trào nổi dậy của đồng bào các dân tộc và cũng là để ngăn ngừa sự bành trướng của các thế lực từ phương Bắc xuống vùng này. Trong bối cảnh đó, quan quân, binh lính người Việt được đưa lên đồn trú nhiều hơn kéo theo là gia đình và người buôn bán, tạp dịch.
Ðến đầu thế kỷ 20, các hoạt động kinh tế xã hội của Pháp ở Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh. Người Pháp tập trung đầu tư vốn vào các ngành khai thác mỏ và một số kỹ nghệ. Ðã xuất hiện những đồn điền rộng lớn. Và bên cạnh cây lúa, đã xuất hiện cây chè, cây cà phê, cao su, thầu dầu,... Sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp bắt đầu trở thành hàng hoá. Gắn liền với những biến chuyển kinh tế là sự ra đời của giai cấp tư sản Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam.
Từ đầu thế kỷ XX, để mở tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, khai phá đất đai lập các đồn điền ở vùng bán sơn địa nên nhu cầu nhân công tăng. Bởi vậy Pháp đã cho mộ phu ở các làng quê vùng xuôi lên trung du, miền núi khá đông. Do nhu cầu cuộc sống những khu dân cư người Kinh vốn là phu đồn điền, dân phu làm đường sắt Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh 滇越鐵路, mở mang các tuyến đường bộ...dần hình thành những xóm, làng như: Giang Đông, Ba Chùa, Phố Tèo. Đồng thời có nhiều người Kinh vùng Phú Thọ ngược sông Hồng lên tìm đất làm ăn, lánh nạn, trốn lính, trốn phu và khi yên ổn, thấy sinh sống được họ đã xuôi về rủ thêm anh em họ mạc lên cư ngụ tại Lào Cai, dọc theo các thung lũng ven sông, ven suối.
Sau thế chiến thứ nhất (1914-1918), dù thắng trận, Pháp vẫn bị thiệt hại nặng nề. Để cứu vãn nền kinh tế, Pháp ra sức vơ vét các thuộc địa nên tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Tổng số vốn được đầu tư vào Việt Nam từ 1919 đến 1929 lên đến 8 tỷ FF của Ngân hàng Đông Dương mà ban Giám đốc bao gồm các nhà kỹ nghệ, các nhà tài phiệt thực sự cai trị Việt Nam. Nhưng người Pháp chỉ chú trọng vào việc khai thác mỏ, mở mang đồn điền cao su còn ngành sản xuất chế biến thì không có phát triển gì nhiều, vì Pháp muốn duy trì sự độc quyền của mình trong sản xuất cũng như trong việc tiêu thụ hàng hóa. Dù trên lĩnh vực nào, hầu hết lợi nhuận đều được đưa về Pháp.
Khi phát hiện ra mỏ Apatit (1924) và đặc biệt là khi mỏ chính thức đi vào khai thác (năm 1939), Pháp đã tăng tốc độ tuyển mộ dân phu khai thác mỏ, mở các tuyến đường đi Sa Pa, Bắc Hà; một số người phục vụ trong các khách sạn ở Sa Pa. Kéo theo, các gia đình công chức ngụy quyền, binh lính cũng đưa vợ con lên sinh cơ lập nghiệp; bên cạnh đó còn có việc nông dân miền xuôi do bị bần cùng hoá, không còn ruộng đất, tự phát lên cũng là nguồn bổ xung thêm nhân lực mới ở Lào Cai. Những người này tập trung ở thị xã Lào Cai, Sa Pa, thị trấn Lu. Từ đó hình thành nên lớp địa danh Việt xen lớp địa danh bản địa, như Soi Lần, Soi Gía, Phú Thịnh.
Sau ngày miền Bắc giải phóng năm 1954, một số đơn vị bộ đội (của F312) chuyển sang làm kinh tế, mỏ Apatít Cam Đường được khôi phục, thu hút công nhân kỹ thuật và cả gần 100 hàng binh là người châu Phi. Đồng thời nhiều đồng bào miền xuôi theo gia đình hoặc do mối quan hệ họ hàng lên tiếp tục bổ sung nhân lực cho Lào Cai còn thưa dân cư và có nhiều tiềm năng sản xuất nông lâm nghiệp. Khi đó, các khu dân cư, làng mới giai đoạn này như: Làng Đông Hà, Xóm Mới hình thành.
Chúng ta biết rằng: trừ người Mông trên núi cao, phần lớn các tộc người thiểu số ở Lào Cai đều không có lãnh thổ địa lý riêng biệt mà tình trạng xen cư, cộng cư là phổ biến. Trước đây, quá trình đó chỉ thấy ở các dân tộc thiểu số với nhau. Khi nhiều nhóm người Kinh ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên cư ngụ tạo nên những bức tranh đa sắc màu. Tình trạng đó đã góp phần đẩy nhanh quá trình giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng tộc người. Đồng thời, việc trao đổi hôn nhân giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh ngày càng nhiều hơn khiến cho cơ cấu dân số, tộc người ở nhiều nơi có những thay đổi đáng kể.
Vai trò của nguồn nhân lực mới đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế, văn hoá xã - hội và nhất là bảo vệ vùng biên, kháng Pháp, tiễu phỉ, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, móc nối mua chuộc và xâm lấn biên giới của các thế lực thù địch. Trong khó khăn chống chọi với thiên tai, địch hoạ, bổ sung, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, làm ăn, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, vượt lên khó khăn, tạo lập và củng cố tính cộng đồng, lòng vị tha, sự nhẫn nại, đa dạng về sắc thái đã khắc hoạ lên bản lĩnh người Lào Cai. Đây cũng là cơ sở để Đảng bộ triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), lãnh đạo cuộc vận động đón nhận đồng bào miền xuôi mà mở đầu là người Kiến An[4] lên xây dựng kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tìm đâu ra  tư liệu cụ thể bàn về vấn đề này nhỉ?
-Lương Đức Mến (thế hệ thứ hai gốc HP trên đất LC)-

[1] Dân tộc Kinh 京族, còn gọi là người Việt 京族là một dân tộc hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc mà vào thời trung, cận đại sinh sống chủ yếu ở đồng bằng và xen kẽ ở trung du. Theo PGsTs Nguyễn Tá Nhi: Chữ “Kinh” thoạt đầu do người thiểu số trên mạn ngược gọi những người từ miền xuôi lên làm ăn ở miền núi mà trong đó cũng có không ít những kẻ không lương thiện. Thấy những kẻ từ phía kinh thành đi lên đầy thói hư tật xấu, hay bày trò lường gạt nên người bản địa vùng Cao Bằng đã có câu: “Con ra ngoài cửa con trông, Thằng Kinh nó hỏi bảo không có gì”… Nhưng rồi về sau, từ Kinh lại có nghĩa tích cực, mang tính phồn hoa đô hội, văn minh...
[2] Trong chiến tranh hay khi có thiên tai, việc thay đổi chỗ ở đến nơi an toàn hơn còn gọi là tản cư và người dân di chuyển kiểu này còn được gọi là dân tản cư. Đó là việc thay đổi chỗ ở tạm thời, khi hết chiến tranh hoặc thiên tai đã qua thì thường họ lại trở về chỗ ở cũ. Người di cư trong trường hợp phải chạy trốn ra một xứ khác để thoát cảnh hiểm nguy, ngược đãi, hoặc bắt bớ bởi một quyền lực ở chốn cư ngụ còn được gọi là người tỵ nạn.
[3] Ví dụ dòng họ của cụ LƯƠNG QUYẾT ĐỊNH (1926-1996), cố Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (1970-1975). Các cụ có truyền lại rằng: Cụ Tổ vốn người Kinh dưới xuôi (không nhớ vùng nào) đã tìm lên vùng Cam Đường, tỉnh Lào Cai từ mấy trăm năm nay. Sau đó có ngành  đổi thành họ Mã, ngành thành họ Hoàng. Ngành cụ Định vẫn giữ họ Lương.
[4] Vào tháng 8/1961. Sau đó, từ 10/1962 Kiến An nhập với Hải Phòng và thành phố tiếp tục phối hợp với Lào Cai đưa đồng bào lên khai hoang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!