Người đi vỡ đất

12 tháng 3 2012

Hôn nhân, Hôn lễ-truyền thống và hiện đại

Trong “Quan, Hôn, Tang, Tế” thì chuyện tang ma, cưới hỏi diễn ra thường xuyên nhất và dù có biến đổi chút ít tưởng cũng đã ổn định trong một thời gian. Nhưng trong dịp cưới mấy đứa cháu vừa qua mới thấy không phải vậy. Người già thì lẫn, quên tục cũ, người trẻ thì lúng túng, người mới phất thì a dua… nên gọi lung tung, tiến hành khá tùy tiện. Có người vin vào “đất lề quê thói” để biện minh nhưng xem ra lệ cần thì không tiến hành, cái rườm rà lại bầy vẽ ra, chỉ khổ cho đôi trẻ và những ai biết chút ít. Do vậy cần phải ôn, phải nhắc lại.
1. Ý nghĩa của hôn nhân:
 “Gia đình là tế bào của xã hội” và hôn nhân mở đầu cho việc xây dựng gia đình. Người xưa cho rằng “phi lục lễ bất thành phu phụ”, nghĩa là chưa đủ sáu lễ thì chưa thành vợ chồng. Sách Chu lễ và Lễ ký đã từng chép: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên”, tạm hiểu là: “việc hôn nhân là gốc của luân thường, đầu mối của muôn hạnh phúc” đồng thời sách lại ghi rõ: “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”, tức “6 lễ mà không hoàn hảo thì con gái chưa về nhà chồng”. Hai chữ “hôn nhân” tưởng nghe rất đơn giản, thực hiện với sự kết hợp của một nam, một nữ rồi từ đó cứ sinh sôi nảy nở ra. Nhưng nếu ngược dòng lịch sử, hôn nhân là một quá trình phức tạp tiến triển rất dài mới hình thành những danh từ chồng vợ, cha mẹ, con cái, cháu chắt liên hệ bằng huyết thống theo thứ bậc trong “Cửu huyền thất tổ”.
Theo nguyên nghĩa Hán tự thì chữ “hôn” trong “hoàng hôn” 黃昏gồm 2 thành tố là “nhật” (, mặt trời) và chữ “để” (, nền hay tên một sao trong Nhị thập bát tú) ở trên nên có nghĩa là “chiều hôm”. Nguyên thủa xưa làm lễ cưới vào lúc chiều hôm là lúc dương qua âm lại, âm dương đương giao hoán với nhau nên gọi là “hôn lễ” và về sau chữ “hôn” này đổi ra viết với bộ “nữ” thành chữ với 3 thành tố và chữ , chỉ bố vợ. Còn chữ “nhân” gồm chữ “nữ” [1] chỉ con gái và chữ “nhân” chỉ sự nương tựa nên chữ “nhân” này dùng để chỉ nhà trai hay bố chồng. Hai chữ “hôn” và “nhân” này hay dùng lẫn lộn, nên gọi sự kết hôn là “đề nhân” 締姻, tức kết dâu gia.
Vậy “hôn nhân” (H: 婚姻, A: Marriage, P: Mariage) là việc cưới vợ gả chồng cho con trai và con gái, việc kết nghĩa thông gia giữa hai họ. Đó là sự kết hợp của các cá nhân về mặt tình cảm, xã hội hoặc tôn giáo một cách hợp pháp; là một mối quan hệ cơ bản trong gia đình ở hầu hết xã hội. Đó có thể là kết quả của tình yêu được đánh dấu chính thức bằng lễ cưới, việc đăng ký kết hôn. Trong hôn nhân, ngoài tình yêu còn có phận sự, đòi hỏi sự hi sinh từ hai phía: người vợ luôn cần đến sự bảo vệ che chở, chỉ dẫn, sự yêu thương, sự nâng đỡ của người chồng’ người chồng luôn luôn cần đến sự ủng hộ,quan tâm, chăm sóc của người vợ. “Phu xướng, phụ tùy”, “phu cương, phụ nhu”  đảm bảo cho hạnh phúc là vậy
Hôn nhân quan trọng như vậy nên việc lập gia đình đâu chỉ là chuyện của đôi nam nữ, cô dâu và chú rể mà là việc của 2 nhà, hai họ và phải tuân theo lễ nghi, đạo lý phù hợp với phong tục tập quán và thời đại.
2. Lễ cưới truyền thống:
Trong “Lục lễ” (六禮, gồm: quan , hôn , tang , tế , hương ẩm 乡饮酒, tương kiến相见)[2] của đời người thì Hôn lễ là lễ rất quan trọng.
Hôn lễ (H: 婚禮,A: Marriage ceremony, P: Cérémonie de mariage) là việc cưới vợ, gả chồng theo đúng nghi lễ, nghi thức mà người Việt nay thường gọi là “lễ cưới”, “Đám cưới”. Nhưng nhiều người lại thích dùng chữ nhưng chưa hiểu nên dễ dùng sai.
Trước hết về từ “Giá thú”. Chữ Giá viết với chữ Gia , tức là nhà và bộ Nữ, chỉ con gái do vậy “giá” là gả chồng. Từ đó có những danh từ xuất giá 出嫁, tức đi lấy chồng; cải giá; tái giá, chống chết lấy chồng khác. Còn chữ Thú gồm chữ Thủ , tức chọn chiếm lấy và chữ Nữ ở dưới nên “thú” là cưới, lấy vợ. Tuy nhiên hiện nay, từ Giá thú cần phải được hiểu là việc lấy vợ lấy chồng được pháp luật thừa nhận. Vì vậy mới có những từ, những ngữ liên quan như: Giấy giá thú (giấy đăng kí kết hôn), hôn nhân ngoài giá thú (hôn nhân không được pháp luật thừa nhận).
Vu quy 于歸thì  “Vu” là đi,  “Quy” là đưa về. Vậy vu quy có nghĩa là con gái đi về nhà chồng, chỉ lễ hay buổi liên hoan tiến hành bên nhà gái.
Thành hôn” hay “Tân hôn” là việc đón con dâu ở nhà chống nên chỉ lễ hay buổi liên hoan tiến hành bên nhà trai.
Đây là 2 nghi lễ lớn, là hình thức liên hoan, mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể và hai gia đình. Nghi lễ này được đôi trẻ, gia đình, họ hàng, bạn bè, làng xóm quan tâm và thường chỉ được tổ chức sau khi đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và cho đến nay, nghi lễ này vẫn có giá trị cao hơn nghi lễ nhà nước, tôn giáo. Song nhiều đám, kể cả MC do không hiểu đã nói ngược!
Tục xưa coi trọng “Lục lễ danh nghi” (H: 六禮名儀,  A: The six ceremony of marriage,  P: Les six cérémonies de mariage). Đây không phải là 6 lễ của đời người mà 6 lễ trong việc cưới gả, nên mới có câu “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”, tức “6 lễ mà không hoàn hảo thì con gái chưa về nhà chồng” trong “Tam thư lục lễ” 三書六禮.
“Tam thư” là 3 lá thư (Sính thư 聘書, Lễ thư 禮書và Nghinh thư 迎書) do nhà trai gửi sang họ nhà gái để đưa tin, xin báo và chuẩn bị dàn xếp các nghi thức.
“Lục lễ” được đặt ra bởi Chu Hi (朱熹, 1130-1200) đời nhà Tống khi biên soạn sách: Văn Công Gia Lễ 文公家禮. Tuy không khắt khe như thế, nhưng trong mục “Nghi lễ hôn nhân” sách Thọ Mai Gia lễ[3] của người Việt cũng cho rằng việc cưới hỏi phải trải qua 6 nghi lễ. Theo đó, việc bắt buộc nhà trai phải sắm đủ 6 lễ nhằm mục đích chỉ cho người con trai thấy việc lấy vợ là một việc rất hệ trọng không thể coi thường, và kể từ đó vợ chồng về chung sống với nhau, thì họ sẽ kính trọng nhau hơn, rồi gắng bó mật thiết với nhau, cùng chia sẻ mọi trách nhiệm và nghĩa vụ, cũng như mọi quyền lợi trong đời sống của một tổ ấm gia đình, được xã hội thừa nhận. Trong “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu  (阮廷沼, 1822-1888) tả đám cưới Kiều Nguyệt Nga:
“Bày ra sáu lễ sẵn sàng,
Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga”.
Sáu lễ mà họ nhà trai phải lo toàn vẹn sau khi họ nhà gái đã chấp thuận kết tình thông gia bao gồm gồm: Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Thỉnh kì, Nạp tệ, Thân nghinh.
1. NẠP THÁI (Nạp là đưa vào, thái là chọn lựa) còn gọi là lễ Dạm hỏi hay lễ Chạm ngõ: khi đôi trai gái có “tình ý với nhau”, người mai mối đi trước “thương thuyết” nếu bố mẹ cô gái đồng ý sẽ hẹn ngày đưa cha mẹ nhà trai, chú rể và lễ vật (cau trầu, trà, rượu) đến nhà gái thăm viếng, trình bày ý định của mình, xin đính ước “dạm” hỏi. Khi đó, chủ hôn nhà trai viết một bức thư, trao cho người mối đem trình cho họ nhà gái nội dung thư ngỏ ý muốn cầu hôn và xin được bước sang nhà gái để bàn tính mọi chuyện. Đây là lá thư thứ nhất (Sính thư 聘書) trong tam thư. Đồng thời, theo lệ xưa, lễ nạp thái có đưa một tờ “Hoa tiên”, ghi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con trai để nhà gái xem xét và chấp nhận cho việc đính hôn ấy.
Người đi cùng mai mối đến nhà gái xin đính ước sẽ làm chủ hôn phải là người vợ chồng song toàn, con cháu đông đúc, tính tình vui vẻ, hòa nhã dẫn chú rể tương lai. Từ đây đôi bên giữ tình giao hảo, trao đổi tin tức (tên tuổi, gia thế, sự nghiệp) chứ chưa có trách nhiệm hẳn về hôn nhân. Truyện Kiều có câu:
“Định ngày nạp thái vu quy,
Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”.
Theo tục cổ, sau lễ chạm ngõ cả hai bền trai gái đều phải làm lễ cáo Từ đường để trình với tổ tiên nhà mình về việc tạm đính ước này.
2. VẤN DANH (Vấn là hỏi, danh là tên): Nhà trai cử người đại diện (hay chính người làm mối) mang trầu rượu sang nhà gái  kèm lá thư thứ hai (Lễ thư 禮書) trong tam thư xin hỏi tên, ngày, tháng, năm sinh (bát tự sinh), thân thế, sự nghiệp của cô gái để đem về so tuổi xem có xung khắc không:
Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
3. NẠP CÁT (Nạp là đưa vào, cát là tốt lành): Nhà trai so tuổi rồi xin quẻ bói trước bàn thờ tổ tiên. Nếu thuận hợp, không xung khắc sẽ cử người qua báo cho nhà gái biết. Việc này nhiều khi gây khó xử cho cả 2 bên.
4. THỈNH KỲ (Thỉnh là hỏi ý kiến; kỳ là kỳ hẹn, tức là ngày giờ tháng năm): người Việt thường xem ngày tốt để tiến hành các thủ tục như ngày tổ chức, ngày rước dâu về nhà chồng. Đây là một sự tin tưởng chuyện vui được cử hành ngày lành tháng tốt thì sẽ mang đến hạnh phúc và bình an cho cô dâu, chú rễ. Thường nhà trai chọn sẵn 2, 3 ngày đến trình cho nhà gái biết ngày, giờ, tháng, năm, nhà trai đến làm lễ Thân nghinh. Đây lá thư thứ ba (Nghênh thư 迎書). Nhà gái kiểm soát lại, chọn ngày phù hợp nhất.
5. NẠP TỆ (Tệlà tiền): Còn gọi là nạp trưng, tức nhà trai đưa sính lễ (tuỳ theo yêu cầu của gia đình hay tập tục địa phương) sang cho nhà gái để xin dẫn cưới. Chính nghi lễ này nẩy sinh tục “thách cưới” tồn tại khá dai dẳng.
6. THÂN NGHINH (Thân là chính mình, nghinh là rước): Họ hàng, bạn hữu đưa chú rể sang làm lễ tại nhà gái để xin rước cô dâu về nhà chồng. Dùng chữ “Thân” là tự mình để chỉ rằng lễ nầy buộc phải có chú rể, chú rể là vai chính đi rước dâu.
Trong lễ này có các phân đoạn:
a. Xin dâu: Người đại diện nhà trai đem một khay trầu rượu vào nhà gái vài giờ trước buổi lễ để cáo gia tiên gọi là lễ xin dâu hay lễ trình giờ.
b. Ðón dâu: Ðoàn họ trai (số lượng được ấn định trước, thường được chọn vợ chồng song toàn, từng cặp chẵn) và chú rể khăn áo chỉnh tề đem theo lễ vật đi đón dâu. Sau khi mọi người vào vị trí, đại diện nhà trai đặt vấn đề, trình lễ vật. Nếu chấp thuận nhà gái: nhận lời, đệ nạp lễ vật lên án thờ, cáo gia tiên, mời đại diện nhà trai làm lễ, cho cô dâu chú rể làm lễ (nam tả nữa hữu). Tiếp theo cô dâu chú rể lễ mừng tuổi ông bà cha mẹ vợ (ngày trước phải lạy sát đất, thời vua Bảo Ðại cho phép vái 3 vái với người sống, có gia đình cho miễn lễ). Sau đó cô dâu chú rể được đưa đi chào mừng bà con họ hàng đang dự lễ. Gặp mỗi người đều nhận được lời chúc phúc, khuyên bảo, và quà tặng. Sau đó nhà gái mời hai họ nhập tiệc. Bởi vậy đây còn là lễ Vu quy: nhà gái tổ chức lễ, tiệc tiễn con gái đi lấy chồng của nhà gái.
c. Ðưa dâu: Khi xong tiệc, đến giờ rước dâu, đại diện nhà trai trình bày với nhà gái xin đón dâu. Ðoàn đưa dâu, họ gái gồm có: Một cụ già cầm bó hương hay đỉnh trầm (nay là bó hoa) đi trước, kế tiếp là bà con họ hàng nhà gái dẩn cô dâu, theo cô dâu là phụ dâu, ngày xưa có một cô theo giúp đỡ mang vật dụng áo quần. Thông thường cha mẹ vợ không đi đưa dâu. Khi đến nhà trai, ngay ngõ đã có người bưng khay trầu mời khách nhà gái. Bà mẹ chồng đón dâu tại cửa đưa vào nhà, cô dâu được đưa về phòng nghỉ mệt trong chốc lát trở ra lần lược làm lễ: Lạy gia tiên, nhà thờ bên cha mẹ chồng, làm lễ Tơ Hồng. Mừng tuổi ông bà cha mẹ chồng, chào mừng họ hàng. Sau hết nhà trai mời hai họ nhập tiệc. Đây chính là lễ Thành hôn bên nhà trai.
Khách mời đi họ không được bỏ ngang về trước, vì như thế không may cho đám cưới.
3. Hôn lễ thời công nghệ số:
Ngày nay, xã hội Việt Nam đã biến chuyển nhanh chóng về mọi mặt. Quan niệm về hôn nhân cũng có những đổi thay để phù hợp với đời sống hiện đại. Thanh niên bây giờ tự quyết định hạnh phúc riêng tư của mình, họ không còn bị chi phối nặng nề bởi tôn giáo, cha mẹ, dư luận xã hội như ngày xưa. Phong tục, tập quán lạc hậu (thách cưới, nộp cheo, chăng dây, đốt pháo) dần dần biến mất nhường chỗ cho những hình thức mới của văn hoá Âu Mỹ, như trao nhẫn cưới, ôm hoa, cắt bánh, bật rượu champagne, nghỉ tuần trăng mật… mới du nhập.
Tuy nhiên nếu nghi lễ cổ truyền làm tăng thêm phần long trọng, tạo ấn tượng sâu sắc trong ngày đám cưới thì nên chọn lựa giữ gìn, kết hợp với những nét tinh túy của thời đại, phát huy phần tích cực tạo sắc thái ý nghĩa cho hôn lễ, gây được những ấn tượng tốt đẹp trong đời sống vợ chồng sau này. Việc hôn nhân là việc quan trọng của một đời người, có ý nghĩa thiêng liêng, tùy gia cảnh, địa phương, tôn giáo... tổ chức sao cho trang nghiêm, có sự hướng dẫn, giáo dục của gia đình hai họ và thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật hiện hành. Ngày nay việc hôn nhân, kết hôn được quy định bởi Luật Hôn nhân và Gia đình số  22/2000/QH10 ngày 09/6/2000. Trong đó quy định rõ: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”; “Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn” và “Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn”…
Song trên thực tế, mọi người dân, ngoài việc Đăng ký kết hôn, còn tiến hành tối thiểu 3 nghi lễ sau:
1. Lễ CHẠM NGÕ, cũng gọi là CHẠM MẶT, DẠM VỢ, gồm lễ NẠP THÁI và VẤN DANH xưa. Thực ra ngày hai đôi trẻ đã biết nhau qua tìm hiểu và đôi khi 2 gia đình cũng chẳng lạ gì nhau. Nhưng vẫn phải tiến hành “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, cho xóm làng biết và gia đình yên tâm. Do ảnh hưởng năng của văn hóa Á Đông nên việc xem ngày, chọn giờ để tiến hành các thủ tục (Đăng ký, Ăn hỏi, Thành hôn) vẫn rất thịnh hành. Song đa phần chọn vào thứ Bẩy, Chủ nhật và đôi khi phụ thuộc cả vào việc có đặt được khách sạn không.
Trong thời gian này, đa số các đôi dâu rể thường chụp ảnh, quay Video kỷ niệm trước lễ cưới tại các ảnh viện hoặc chụp ngoại cảnh. Đồng thời lo in Thiếp mới, báo cáo cơ quan hai bên, lên Kế hoạch chi tiết (phân công nhiệm vụ, lo xe, nhờ trang trí, dẫn chương trình, tiệc, trang điểm...).
2. LỄ HỎI  gồm lễ NẠP CÁT và NẠP TỆ xưa.
Còn được gọi là lễ đính hôn là một thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ. Nó đánh dấu một chuyển đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: Cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi.
Ngày nay, về hình thức lễ này vẫn giữ tên là lễ ăn hỏi, nhưng trên thực tế, nó đã bao hàm cả lễ dẫn cưới. Chính vì thế, mô hình lễ ăn hỏi ngày nay phải phản ánh được sự thay đổi ấy, nói cách khác, trong các nghi thức ở lễ ăn hỏi ngày nay phải có cả những nghi thức của lễ dẫn cưới.
- Thành phần tham gia: Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình, bạn bè và một số thanh niên chưa vợ bưng mâm quả (hoặc bê tráp). Thường thì người bê tráp là nữ nhưng do mâm quả bây giờ khá nặng nên có thể thay thế bằng nam. Số người bê tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11. Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số nữ chưa chồng để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm.
- Chuẩn bị: Họ nhà trai sẽ phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật đặt trong 5, 7, 9 hộp (số lẻ tượng trưng cho sự phát triển) đó đủ Trầu, Cau, Chè, Rượu, Bánh Phu thê, Mứt sen, Thuốc lá...số lượng lễ vật phải là số chẵn (bội số của 2, tượng trưng cho có đôi có lứa). Xôi, Thủ lơn (có thể là lợn sữa quay). Các tráp sơn son thếp vàng có phủ khăn điều thêu chữ Hỉ mầu vàng. Riêng mâm trầu, nếu họ nhà gái có ý kiến chỉ tượng trưng thì số trầu cau có thể như sau: Trầu xếp ra làm 6 xấp, mỗi xấp có 4 lá, tổng cộng có 24 lá trầu. Số 6 tượng trưng cho “lục lễ”.  Số 4 tượng trưng cho “tứ quý”. Tứ quý theo ý nghĩa là Phúc, Lộc, Thọ và Toàn hay Phúc, Lộc, Thọ và Hỷ[4]. Cau được chọn cái chóp của buồng cau, tượng trưng cho cả buồng. Buồng cau tượng trưng cho sự sum suê. Trái cau chọn số chẳn thường 40 trái trở lên. Nếu trầu 24 lá thì cau 24 trái.
Nhà Trai nhờ 5, 7, 9 thanh niên (tùy số tráp) quần thẫm, áo trắng, ca vát đỏ; nhà gái nhờ 5 (7, 9) cô gái mặc áo dài đỏ nhận lễ. Mỗi bên chuẩn bị 5 (7, 9) phong bì mầu đỏ in chữ song hỉ hay đôi Rồng Phượng để lì xì cho các cháu đội lễ “cắt duyên”.
- Tiến hành :
+ Ngoài cửa: Khi họ nhà trai tới, họ nhà gái ra tiếp và mời vào đứng phía bên phải bàn thờ, họ nhà gái đứng phía bên trái bàn thờ (từ bàn thờ nhìn ra). Thứ tự vào nhà: Trưởng đoàn, bố mẹ chú rể, các bậc cao niên rồi cả đoàn (trừ Chú Rể và 7 nam thanh niên) vào nhà ngồi dãy ghế phía ngoài. Trong khi đó 7 nam thanh niên xếp hàng dọc và quay mặt về phía 7 thanh nữ chờ sẵn, khi chú rể đi qua đôi nào thì nam trao tráp cho nữ đối diện mình. Chú Rể đi giữa 2 hàng vào trong nhà, ngồi lên phía trên cạnh cha mẹ. Khi trao hết 7 hộp và chú rể đã ổn định thì 14 thanh niên vào nhà, các bạn nữ đặt tráp lên bàn. Sau đó ổn định chỗ ngồi, uống nước (không hút thuốc),
+ Trong nhà: Đại diện hai họ giới thiệu thành phần đoàn nhà mình, ổn định xong hai bên ngồi xuống uống nước. Trưởng đoàn nhà trai đặt vấn đề, nếu chấp thuận trưởng đoàn nhà gái mời đại diện nhà Trai lên trao Lễ, nhà Gái nhận Lễ. Trao nhận Cau Trầu trước (miếng trầu là đầu câu chuyện) nếu đủ, ưng ý nhà gái lật tấm khăn phủ ra 1/2. Thường chỉ trao tượng trưng 1 tráp, các tráp khác bỏ khăn điều và nhấc nắp tráp.
+ Trước ban thờ: sau khi trao nhận lễ xong, cho phép chú rể vào đưa cô dâu ra. Đại diện nhà gái thắp hương kính cáo gia tiên. Sau đưa cho mỗi cháu 1 nén, chú rể đứng bên Trái, cô dâu đứng bên Phải trước ban thờ (“Nam tả, nữ hữu”, nhìn từ trong ra) vái yết cáo tổ tiên, khấn cầu phù hộ và cắm nhang rồi ra tiếp khách.
Khi nhà trai nhận tráp đựng đồ vật chuyển lại của nhà Gái (đối với cau thì phải xé chứ không dùng dao để cắt) thì để ngửa (nắp tráp để phía dưới), không được úp tráp.
- Bàn chuyện cưới, chuyện vun trồng cho con cháu...
- Lễ Xin cưới: nếu nhà Gái nhất trí thì thực hiện ngay sau khi thủ tục ăn hỏi xong. Lễ vật (không tính kèm lễ ăn hỏi) có thể là lễ chín hay là 3 phong bì đựng tiền. Đồ Lễ và phong bì tiền  đừng trong tráp nhỏ, phủ khăn hồng. 3 lễ hay 3 phong bì đựng tiền này để nhà gái làm lễ ở 3 nơi: tại gia, tại bên Nội, tại bên ngoại. Nếu là tiền thì số tiễn mỗi phong bì là lẻ, tổng cũng lẻ (số Dương phát triển). Ví dụ: mỗi phong bì 533.000đ (cộng là 1.599.000đ) gồm các loại tiền: 500.000đ x 1 tờ + 20.000đ x 1 tờ + 10.000đ x 1 tờ + 2.000đ x 1 tờ + 1.000đ x 1 tờ = 533.000đ với  5 tờ tiền.
Trường hợp nhà Gái có thay đổi (“thách cưới”), nhà Trai sẽ bổ sung hoặc hai bên cùng bàn bạc, thương lượng.
- Biếu trầu: sau lễ ăn hỏi, nhà gái dùng các lễ vật nhà trai đã đưa để chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn, xóm giềng,... Ý nghĩa của tục này là sự loan báo: Cô gái đã có nơi có chỗ.Trong việc chia bánh trái, cau, chè cau phải chia theo số chẵn, nhưng kiêng chia hai quả, nghĩa là mỗi nơi từ bốn quả cau, bốn lá trầu trở lên. Thường có kèm theo những tấm thiếp của đôi bên hai họ báo tin đính hôn của đôi trẻ. Nếu ngày nghênh hôn không xa ngày hỏi, trong thiếp sẽ ghi rõ lễ cử hành vào ngày nào. Trong trường hợp này có khi cùng với thiếp “báo hỷ” lại có thiếp mời tiệc cưới.
3. Lễ CƯỚI, còn gọi là lễ THÀNH HÔN, gồm lễ THỈNH KỲ và NGHINH HÔN xưa.
Trong tiến trình này, bên nhà gái làm lễ VU QUY. Lễ này thường tiến hành ngay sau lễ ăn hỏi nhưng có thể trước lễ Thành hôn, tùy điều kiện và khoảng cách đại lý giữa 2 nơi hành lễ. Ý nghĩa của lễ này là: Công bố sự thành hôn của đôi trai gái (còn được gọi là lễ Thành hôn). Lễ cưới bao gồm các nghi thức sau:
- Lễ xin dâu: Trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp. Dù đoàn rước dâu của nhà trai có đi bằng phương tiện gì chăng nữa thì trước khi vào nhà gái cũng phải “chấn chỉnh đội hình”. Thông thường, đi đầu là đại diện nhà trai (là người khéo ăn, khéo nói, có vị thế xã hội); tiếp đến là bố chú rể, chú rể và bạn bè (nhiều nơi mẹ chồng thường không đi cùng để đón con dâu). Đoàn rước dâu cũng không cần đông người lắm, vì nếu đông quá nhà gái có thể sẽ không đủ chỗ tiếp, dễ bị bất ngờ trong khi nghênh tiếp.
Sau khi đã vào nhà gái, nhà trai được mời an tọa. Hai bên giới thiệu nhau, sau một tuần trà, đại diện nhà trai đứng dậy có vài lời với nhà gái xin chính thức được rước cô dâu về. Khi được “các cụ” cho phép, thì chú rể mới được vào phòng trong để trao hoa cho cô dâu, cùng cô dâu đến trước bàn thờ thắp nén hương (nam tả nữ hữu) rồi ra chào bố mẹ, họ hàng hai bên. Cha mẹ cô dâu dặn dò đôi vợ chồng trẻ về cách sống, về tình yêu thương, về đạo lý vợ chồng. Sau đó, vị đại diện nhà trai sẽ đáp lời thay chú rể, nhận dâu và xin rước dâu lên xe. Có nơi khi dâu đi rồi, nhà gái mới dọn mâm khoản đãi khách khứa.
- Lễ rước dâu: sau khi cô dâu, chú rể lên xe, đoàn nhà gái (với số lượng đăng ký trước với nhà trai) sẽ cùng theo xe hoa về nhà trai dự tiệc cưới. Dọc đường đoàn xe không nên đi cách quãng và khi gặp ngã ba, cầu nên thả tiền lẻ (nên bỏ).
- Về đến nhà trai, việc đầu tiên là cô dâu và chú rể được cha mẹ dẫn đến bàn thờ để thắp hương yết tổ (lễ gia tiên), rồi chào họ hàng bên chồng. Sau đó, cô dâu được dẫn vào phòng cưới, ngồi lên chiếc giường cưới do một người được nhà trai chọn sẵn (mắn con) trải chiếu hay lật ga.
Mấy năm gần đây rộ nên chuyện con gái tuổi “Đinh, Nhâm, Quý” phải đón dâu hai lần để tránh “hai lần đò”!
- Tại hôn trường:  do các MC điều khiển. Có thể có việc người thân đem tặng các đồ mừng cho đôi trẻ. Quà cưới thường  là vòng, xuyến, hoa tai...Khách khứa nay thường tặng phong bì bỏ vào hộp chuẩn bị sẵn hay đưa cho cô dâu, chú rể hoặc cha mẹ...Phổ biến nay có việc trao nhẫn cưới, cắt bánh, mở champagne... Có những đám cưới tổ chức tiệc trà, đơn giản hơn tiệc cưới thông thường, có ý không yêu cầu người tham dự mang quà mừng. Trong đám cưới thì thường chụp ảnh và quay phim.
- Cuối cùng, nhà trai mời nhà gái và tất cả những người cùng tham dự tiệc cưới…
Những cổ tục lạc hậu đến nay không còn phù hợp nữa, đã bị bãi bỏ hoàn toàn. Chỉ còn lễ lại mặt là có nhiều nhà vẫn làm theo. Lễ lại mặt, còn được người Việt gọi là Nhị hỉ (sau ngày cưới hai hôm, hai vợ chồng xin phép cha mẹ đằng chồng về thăm nhà vợ) còn nếu hai gia đình ở khá xa nhau thì theo Tứ hỉ (sau cưới bốn ngày mới về thăm nhà vợ). Theo phong tục cổ ruyền, khi hai vợ chồng dẫn nhau về thăm nhà vợ phải sữa một mâm cổ gồm có chè xôi để cúng gia tiên nhà vợ, nhằm báo cáo với tổ tiên việc cưới hỏi đã hoàn tất. Đây cũng là một hình thức để con cái dù là con rể thì vẫn phải giữ trọn đạo hiếu đối với ông bà tổ tiên nhà vợ. Mặt khác người con gái sau khi có chồng vẫn phải quay về nhà cha mẹ đẻ làm lễ cúng gia tiên, nhằm tỏ lòng biết ơn của mình đối với tổ tiên, cùng với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Mấy năm gần đây, ở Lào Cai rộ lên phong trào mua tranh, chữ từ bên Trung Quốc về trang trí phòng cưới, xe hoa. Những tranh này thường in trên giấy đỏ với chữ mầu vàng, họa tiết rất bắt mắt. Tiếc rằng nhiều người chẳng rõ nghĩa nên dán không hợp. Thậm chí ngay chữ Song hỉ thông dụng thế mà vẫn bị dán ngược hay quay ngang !. Sau đây là một số chữ thường thấy dán lên biển xe:
- 瑟琴好合: Sắt cầm hảo hợp, nghĩa là quan hệ vợ chồng hoà hợp, ví như quan hệ chung hợp giữa hai loại đàn (đàn cầm và đàn sắt) trong một dàn nhạc.
- 鸞鳳和鳴: Loan phượng hòa minh, nghĩa là: Vợ chồng hoà thuận, thương yêu nhau ví như đôi chim  phượng cùng hót.
- 百年偕老: Bách niên giai lão 百年偕老: chung sống hoà hợp trọn đời bên nhau.
- 白頭偕老: Bạch đầu giai lão: chung sống hòa hợp hạnh phúc bên nhau đến khi đầu bạc.
- 百年好合: Bách niên hảo hợp, tức trăm năm sống tốt bên nhau.
- 永結同心: Vĩnh kết đồng tâm nghĩa là mãi mãi cùng chí hướng.
...
Hiện nay nhà nước Việt Nam ban hành nhiều văn bản về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 1998, Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng  Chính phủ; Thông tư số: 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ VHTTDL) tuy trong thực tế đã có chuyển biến nhưng chưa nhiều, chưa thành tập tục.  Việc thí điểm chỉ “Đăng ký” là xong hay dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết; chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới; Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hoá; trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới...xem chừng chưa đạt kết quả như mong muốn.
 Lương Đức Mến (BS lại từ nhiều nguồn TK, dùng trong gia tộc)

[1] Mặc dầu những chữ như: nhân , thú không có nghĩa nào liên quan đến con gái sắp lấy chồng hoặc họ nhà gái cả nhưng những chữ như: hôn , nhân , giá , thú ,ph đều thuộc bộ nữ . Điều này xuất phát từ việc xã hội Trung hoa cổ đại vốn là một xã hội mẫu hệ, việc cưới xin do người phụ nữ làm chủ. Do đó nhiều chữ Hán liên quan đến việc cưới xin đều có liên quan đến bộ nữ.
[2] Quan: Cái mũ (nón), lễ đội mũ. Lễ đội mũ cho con trai khi lớn lên vừa tròn 20 tuổi, gọi là Lễ Gia Quan, theo cổ tục của người Tàu, và người Việt Nam ta thời xưa cũng bắt chước theo, ngày nay đã bỏ. Do đó, chữ Quan trong trường hợp nầy để chỉ phép tắc cư xử giữa những người trong họ và trong xã hội.
Hôn: việc hôn nhân, tức là việc cưới vợ cho con trai hay việc gả chồng cho con gái khi đến tuổi trưởng thành.
Tang: việc để tang, cúng tế và chôn cất người chết.
Tế: việc tế lễ, tổ chức cúng tế Trời Đất và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Đình, Miếu, Chùa, Thất.
[3] "Thọ mai gia lễ" là gia lễ nước ta, có dựa theo Chu Công gia lễ tức gia lễ thời xưa của Trung Quốc nhưng không rập khuôn theo Tầu. Mặc dầu gia lễ từ triều Lê đến nay có nhiều chỗ đã lỗi thời nhưng khi đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân, nên đến nay trong Nam ngoài Bắc vẫn còn phổ biến áp dụng, nhất là tang lễ.
Tác giả của "Thọ mai gia lễ" là Hồ Sỹ Tân (1690-1760) hiệu Thọ Mai người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đậu Tiến sĩ năm 1721 (năm thứ 2 triều Bảo Thái), làm quan đến Hàn lâm Thị chế. Trong "Thọ mai gia lễ" có trích dẫn một phần của Hồ Thượng thư gia lễ. Hồ Thượng thư tức Hồ Sỹ Dương (1621-168?) cũng người làng Hoàn Hậu, đậu tiến sĩ năm 1652 tức năm thứ 4 triều Khánh Đức, Thượng thư bộ Hình, tước Duệ Quận công.
[4] “Tòan” ở đây là toàn vẹn “Hỷ” là vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!