Người đi vỡ đất

08 tháng 2 2012

Lễ Phật đầu năm

Là tín đồ các tôn giáo, ai cũng mong có dịp đến chiêm bái các Thánh địa của tôn giáo mình. Tuy không phải tín đồ Phật tử nhưng tự đánh giá là chịu nhiều ảnh hưởng của tôn giáo 佛教 này. Lại ham hiểu biết nên tôi rất mong có dịp viếng thăm, tìm hiểu quê hương của đức Phật 釋迦牟尼文佛 là vương quốc Thích Ca (釋迦王國,Sakya Kingdom), thành Ca Tỳ La Vệ (迦毘羅衛, Kapilavastu). Cũng như vườn Lâm Tỳ Ni (嵐毘尼, Lumbini, nơi Ngài giáng sinh), thăm Bồ Đề Đạo Tràng (菩梵道場,Bodh Gaya, nơi Ngài thành đạo), vườn Lộc Uyển (鹿野苑, Sarnath, nơi Ngài thuyết bài Pháp đầu tiên) và Câu Thi Na (拘尸那揭羅, Kusinagara, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn 涅槃) ở rừng Sa La dưới chân dãy Himalaya 马拉雅山脉 hùng vĩ. Song điều đó là không tưởng. Do vậy tìm đến các cơ sở Phật giáo để bù đắp vào sự thiếu hụt đó và cho lòng thêm thanh thản hơn, nhất là dịp đầu năm.
Trong dịp về quê Giỗ Tổ họ Lương tại thôn Phương Hạ, xã Chiến Thắng, huyện An Lão trên đường đi chúng tôi đã rẽ vào Thiền Viện Trúc Lâm 竹林安心禅院, thuộc địa phận xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nay trên đường trở ngược Lào Cai, sau khi thăm khu Di tích Núi Voi, chúng tôi đã viếng thăm chùa Cao Linh 高靈寺, nằm trên địa phận thôn Bắc Hà, xã Bắc Sơn, huyện An Dương[1] kề sát đường 10[2], ở gần Quán Toan - Hải Phòng. Một ngôi chùa còn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng được đánh giá là đẹp và hoành tráng trong khu vực.
Vùng đất này xưa vốn là làng Hà Liễn 河辇, xã Song Mai 雙梅, tổng An Dương 安陽, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương cũ. Địa danh này được xác lập đâu như vào năm Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1469) vốn thuộc phủ Kinh Môn. Đến năm 1833, đời Minh Mạng đổi thuộc phủ Kiến Thụy. Thời thuộc Pháp ban đầu thuộc Đốc lý Hải Phòng, từ 29/4/1924 đổi thuộc tỉnh Kiến An bởi một Nghị định của Toàn quyền Đông Dương.
Theo bia ký và lịch sử thì ngôi chùa này được dòng họ Lê Văn xây dựng (năm ?), được trùng tu vào đời Hậu Lê. Thủa xưa Chùa chỉ gồm ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, năm gian nhà tổ, ba gian nhà bếp.
Những năm đầu cuộc kháng chiến 9 năm, chùa là nơi nuôi dấu cán bộ, dự trữ lương thực phục vụ cho kháng chiến. Các vị cao tăng mà điển hình là Hòa Thượng Thích Thanh Sự đã thể hiện tinh thần “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”, Hòa Thượng đã tham gia đội tự vệ của xã cùng nhân dân đánh Pháp. Năm 1947, trong một trận càn, Pháp đã đốt  20 gian nhà chùa, gồm nhà tổ và các nhà phụ nhằm triệt phá nơi dự trữ lương thực của bộ đội ta.
Trong kháng chiến chống Mỹ, một đơn vị pháo Phòng không đã lấy khuôn viên chùa làm trận địa. Đồng thời đây còn là nơi chứa cất đạn dược, tạm trú đóng quân của các đơn vị bộ đội khi hành quân ngang qua.
Trải qua năm tháng và chiến tranh loạn lạc, nhất là sau khi Hòa Thượng Thích Thanh Sự viên tịch năm 1980, không có tăng ni kế tiếp trụ trì hoằng dương Phật Pháp nên chùa xuống cấp nghiêm trọng.
Đến năm 2001 chùa được Thượng Tọa Thích Thanh Giác, Phó trưởng ban trị sự Thành Hội Phật Giáo Hải Phòng, trụ trì chùa Phổ Chiếu – Thành phố Hải Phòng kiêm nhiệm trụ trì. Thượng Tọa đã cùng chính quyền Phật tử nhân dân địa phương, lập ra kế hoạch trùng tu lại ngôi Bảo Điện và chuyển từ hướng Tây sang hướng Nam theo vị trí như hiện nay.
Cuối năm 2006 Đại Đức Thích Giác Nghiên là đệ tử của Thượng Tọa Thích Thanh Giác sau khi hoàn tất khóa học về nước, được Thành Hội Phật Giáo Hải Phòng bổ nhiệm Đại Đức Thích Giác Nghiên về trụ trì hoằng dương Phật Pháp tại chùa này.
Đại Đức đã cùng với chính quyền nhân dân địa phương và khách hảo tâm thập phương tiếp tục xây dựng Đại Hùng Bảo Điện 大雄宝殿– Ngũ Quan – Tháp Viên 塔园– La Hán Đường 羅漢堂– Vãng Sinh Đường 往生堂– Thiền Đường 禅堂– Niệm Phật Đường 念佛堂 và các công trình khác.
Dần dần chùa có quang cảnh, diện mạo như ngày nay. Cao Linh tự với diện tích rộng, nằm ở phía tây cửa ngõ của thành phố, giữa một vùng đất cao ráo, cách trung tâm khoảng chừng 12km, trước mặt là quốc lộ 10 nối liền các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, phía sau là đường 5 nối Hải Phòng – Hải Dương và Thủ đô Hà Nội. Nhìn về trước mặt phía xa là dãy núi Thiên Văn, đằng sau là con sông Hà Liên trong xanh, cấp nước cho thành phố. Nên có thể noái đó là vị trí lý tưởng cho các ngôi chùa mà tôi từng viếng thăm.
Tuy rất vội chúng tôi cũng đủ nhận ra những nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Phật Giáo. Các tượng, tháp ở đây toàn bằng đá nguyên khối chứ không phải được đắp từ xi măng. Đặc biệt chùa khuyến cáo không thắp nhang trong các gian thờ nên không khí khá trang nghiêm, không bị bao trùm khói, ô nhiễm. Khách vãng cảnh trật tự, được thăm quan cả khu nghỉ ngơi, cả nơi chế biến các món ăn chay. Tôi rất tâm đắc bức bình phong xây ngay sau tượng phật kế cổng Ngũ quan ghi rõ TÔNG CHỈ CỦA CHÙA (高靈場的宗旨,Cao Linh đạo tràng đích Tôn chỉ)gồm 5 điểm, chỉ tiếc không có bản dịch nên chắc nhiều người không ngộ được những ý tứ sâu xa trong đó. Thêm vào nữa là việc xây khu nghĩa trang với 3 cửa vào là Diên Thọ Viên, An Lạc Viên và An Dưỡng Địa trong khuôn viên nhà Chùa không hiểu có đúng với giáo lý, tiền lệ nhà Phật không?.
Dù sao, Cao Linh tự đã đang và sẽ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của Phật tử trong vùng và do tiện đường giao thông nên là điểm tham quan du lịch của các du khách trong và ngoài nước, và cũng là điểm nhấn nổi bật trong toàn cảnh khu danh thắng du lịch nổi tiếng Núi Voi. 
Sau đây là một vài hình ảnh chùa Cao Linh chúng tôi chụp được:
Ngũ quan
Phía trước bình phong


Nơi thắp hương (trước Bình phong)
Mặt sau Bình phong đắp TÔN CHỈ CỦA CHÙA
Bản Phiên âm Tôn chỉ của chùa Cao Linh
Đại bái






Bên trong Bảo Điện
Một lá Bùa

Các món Chay


[1] Là một huyện nằm ở phía Tây thành phố Hải Phòng, được tái lập từ huyện An Hải cũ vào năm 2002 bởi Nghị định 106/2002/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2002 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Hải và quận Ngô Quyền để thành lập quận Hải An và các phường trực thuộc, mở rộng và thành lập phường thuộc quận Lê Chân và đổi tên huyện An Hải thành An Dương thuộc thành phố Hải Phòng.
[2] Là tuyến đường liên tỉnh chạy dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ qua 6 tỉnh và thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Tổng chiều dài 228 km, riêng chiều dài tính từ điểm đầu tại ngã ba Bí Chợ (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) tới điểm nút giao với quốc lộ 1A tại thành phố Ninh Bình là 151 km, tại vị trí này, quốc lộ 10 đổi hướng đông nam qua các huyện Yên Khánh, Kim Sơn (Ninh Bình) rồi theo hướng tây nam qua các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Điểm cuối của tuyền đường lại gặp quốc lộ 1A tại thị trấn Tào Xuyên (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!