Là người Việt, dù theo tôn giáo, có hay không theo tôn giáo nào, dù làm việc ở lĩnh vực nào đều háo hức chờ đón và có nhiều kỷ niệm về Tết. Cái Tết đó là Tết Ta, Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền.
1. Về ngữ nghĩa và tính chất:
Tuy gọi là Tết Ta để phân biệt với Tết Tây, tức Tết Dương lịch, nhưng thực ra đây là cái Tết mà người Việt theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Nguyên Đán Trung Hoa.
- Chữ “Tết” do chữ “Tiết” 節 đọc trại mà thành. Từ 節 này trong 24 Tiết khí 二十四節氣 một năm có nghĩa là ngày kỷ niệm.
- Nguyên Đán (H: 元旦 - 元日, A: The first day of the lunar year, P: Le premier jour de l'année lunaire) trong đó “Nguyên” là khởi đầu, thứ nhất, sơ khởi hay to lớn còn “Đán” là buổi sáng sớm và “Nhật” là ngày. Lại bởi tháng có ngày đầu năm gọi là Nguyên Nguyệt 元月nên Nguyên Đán, đồng nghĩa Nguyên Nhật, là ngày đầu tiên của năm âm lịch, tức là ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch. Đồng thời “Đán” có nghĩa là trọn vẹn. Vì thế, Nguyên Đán mang một hàm nghĩa rất nhân văn, đó là sự “khởi đầu trọn vẹn” nên đó còn là dịp để mọi người hân hoan chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới và bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ. Đồng thời cũng là dịp mọi người dành nhiều thời gian đến thăm họ hàng, bạn bè...cùng chúc, hi một cố gắng mới, và một cuộc đời mới trong tương lai.
Đó là ngày Tết cổ truyền của các dân tộc Á Đông như: Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản[1], Triều Tiên. Gọi như vậy để phân biệt các ngày Tết khác là: Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu. Nhưng hình như chỉ người Việt mới gọi là Tết Nguyên Đán.
- Thời điểm: Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch.
- Tên gọi: trong lịch sử Trung Hoa từng gọi Tết này là Tuế Thủ 歲首, Chính Đán 正旦 hiện nay thống nhất gọi là Xuân tiết 春節 hoặc Nông lịch Tân niên 農曆新年. Người Nhật gọi là Chinh Nguyệt 正月, người Hàn gọi là Tân niên chi ý 新年之意, viết là 설 날.
- Cách tính hiện nay: Do múi giờ và cách tính của âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam đôi khi không hoàn toàn trùng với Xuân tiết của người Trung Quốc.
Mặt khác, tuy cùng một nước nhưng trước 1975, VNCH lấy múi giờ 8 còn VNDCCH lấy múi giờ 7 nên hai miền Nam, Bắc đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau: miền Bắc ngày 29 tháng 1 trong khi miền Nam thì ngày 30 tháng 1.
2. Nguồn gốc và cách xác định:
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế (三皇五帝, 2852 - 2205 tCn). Theo truyền thuyết, khởi đầu của Tết Nguyên Đán Trung Quốc là một cuộc chiến chống lại con niên (年- nián). Con niên hay đến vào dịp đầu năm mới để phá hoại gia súc, mùa màng và dân làng, đặc biệt là trẻ con. Để bảo vệ mình, dân làng đặt thức ăn trước cửa nhà vào dịp đầu năm. Mọi người tin rằng sau khi ăn những thức ăn đó, nó sẽ không tấn công con người nữa. Một lần, mọi người nhìn thấy con niên rất sợ một em bé mặc bộ đồ đỏ. Họ hiểu ra rằng con niên sợ màu đỏ. Do đó, sau này, vào những ngày đầu năm mới, dân làng đều treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ trên cửa sổ, cửa ra vào. Mọi người cũng dùng pháo hoa để làm cho con niên khiếp sợ. Từ đó, con niên không bao giờ tới làng nữa. Cuối cùng, con niên bị Hồng Quân Lão Tổ, thầy dạy của Tam Thanh là ba vị thần tiên tối cao trong Đạo Giáo bắt. Con niên trở thành vật cưỡi của Hồng Quân Lão Tổ.
Đến đời Tần, dịp lễ đầu tiên của năm mới được gọi là Thượng Nhật, Cải Tuế. Sang thời Tây Hán gọi là Tam Triều, Tuế Đán đến nhà Đường gọi Tết âm lịch là Tết Nguyên Đán, Tân Chính, Tân Nguyên…
Việc xác định Tết Nguyên Đán thay đổi theo từng thời kỳ:
- Đời Tam đại三代 :
+ Nhà Hạ (夏朝, khoảng TK 21- TK 16 tCn)) chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng正月, tức tháng Dần 寅để tổ chức Tết.
+ Nhà Thương (商朝, khoảng 1766-1122 tCn) thích màu trắng nên lấy tháng Sửu 丑, tức tháng chạp腊月, làm tháng đầu năm.
+ Nhà Chu (周朝, 1122-249 tCn) ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý 子, tức tháng mười một寒月, làm tháng Tết.
- Đời nhà Đông Chu (東周, 770-256 tCn), Khổng Phu Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần.
- Đời nhà Tần (秦朝, 221 - 207 tCn), Tần Thủy Hoàng (秦始皇, 247-221 tCn) lại đổi qua tháng Hợi 亥, tức tháng mười 拾月.
- Dưới thời nhà Hán (漢朝, 206 tCn-220), năm 140 tCn Hán Vũ Đế (漢武帝, 156-87 tCn) đặt ngày Tết vào ngày đầu tháng Dần, tức tháng Giêng.
Từ đó về sau, trải qua các thời đại, không còn ông vua nào thay đổi thêm về thời gian của tháng Tết và được duy trì cho đến nay.
3. Những ngày chính trong Tết:
Theo truyền thống, Tết Nguyên Đán thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới, tức từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng, với một số ngày chính sau:
3.1. Ngày Ông Công, Ông Táo là ngày bắt đầu Tết. Đó là ngày 23 tháng Chạp. Việc thờ và cúng Táo quân đã từng viết rồi. Nhưng ngày càng lãng phí khi Vàng Mã, Mũ mão quá và ô nhiễm môi trường khi thả cá kèm cả túi nilon, tro, chân hương thả cẩu thả.
3.2. Ngày Tảo mộ cuối cùng trong năm, thường là ngày 25 tháng Chạp. Ngày này nguời ta thường đi thăm mồ mả gia tiên, sửa sang, dọn cỏ, quét vôi và làm một mâm cỗ cúng mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
3.3. Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày Trừ tịch除夕gia đình sum họp để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên.
3.4. Giao thừa: (H: 交承, A: The transition hour between the old year and new year, P: Heure de transition entre deux années) là thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, tức là thời điểm chấm dứt năm cũ và bắt đầu năm mới. Đối với dương lịch, Giao thừa là lúc 24 giờ đêm 31 tháng 12 của năm cũ, tức là 0 giờ ngày 1 tháng 1 của năm mới. Đối với âm lịch, Giao thừa là lúc cuối giờ Hợi của đêm 30 tháng Chạp (hoặc đêm 29 khi tháng Chạp thiếu) của năm cũ, tức là đầu giờ Tý của ngày mùng 1 tháng Giêng năm mới.
Cúng Giao thừa (hay lễ Trừ tịch, H: 除夕, A: Lunar New Year 's Eve) là nghi lễ ghi nhận thời khắc chuyển giao giữa hai năm là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Khi đó, người ta thuờng làm hai mâm cỗ:
+ Đặt mâm cúng ngoài trời: bởi cổ lệ tổ chức lễ cúng nhằm đón các Thiên binh 天兵. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không kịp vào tận bên trong nhà, chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản Hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản Hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại. Mười hai vị Hành khiển 行遣 kèm 12 vị Hành binh 行兵 thực thi mệnh lệnh, 12 vị Phán quan 判官 làm thư ký. Tên kíp trực theo Thập Nhị Địa chi đã chép trong Lưu niên Hành khiển[2], cần khấn cho đúng tên quan Đương niên và quan Tân niên.
+ Mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm. Khi cúng, trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.
3.5. Chính Tết kéo dài 7 ngày[3] (3 ngày Tết 7 ngày xuân):
- Ngày mồng Một tháng Giêng: là ngày Tân niên đầu tiên còn gọi là ngày Chính đán và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc tết các ông bố và bên Nội theo tục: “Mồng Một Tết cha”.
- Ngày mồng Hai tháng Giêng: ngày này cũng có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, nguời ta chúc tết các bà mẹ, bên Ngoại theo tục “Mồng Hai Tết mẹ”. Riêng “thanh nam” chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.
- Ngày mồng Ba tháng Giêng: Sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục “Mồng Ba Tết thầy”[4].
Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.
Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm rất quan trọng, tốt nhất là người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công và hợp tuổi. Theo lệ đó, cách chọn tuổi xông đất:
Tuổi Giáp hợp với Kỷ mà kỵ với Canh – Mậu.
Tuổi Ất hợp với Canh mà kỵ với Tân – Kỷ.
Tuổi Bính hợp với Tân mà kỵ với Nhâm – Canh.
Tuổi Đinh hợp với Nhâm mà kỵ với Quý – Tân.
Tuổi Mậu hợp với Quý mà kỵ với Giáp – Nhâm.
Tuổi Kỷ hợp với Giáp mà kỵ với Ất – Quý.
Tuổi Canh hợp với Ất mà kỵ với Bính – Giáp.
Tuổi Tân hợp với Bính mà kỵ với Đinh – Ất.
Tuổi Nhâm hợp với Đinh mà kỵ với Mậu – Bính.
Tuổi Quý hợp với Mậu mà kỵ với Kỷ – Đinh.
- Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt[5]. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia. Với vùng dông đồng bào người Hmong đây còn là dịp khai Hội Gầu Tào.
- Ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng. Vùng Tầy Thái hay tổ chức Hội Lồng Tồng (Xuống đồng).
4. Một vài lời chúc tụng:
Tết Nguyên Đán thường rộn rã với những lời chúc nhiệt thành, nhiều khi thành công thức nghe như sáo rỗng nhưng vẫn được mọi người dùng và ưa nghe. Vốn ở nơi “con sông Hồng chẩy vào đất Việt” nên cũng cần biết những câu người Hoa chúc và viết trên Thiệp trên các bức tranh rự rỡ bầy đầy chợ. Tiếng Hoa gọi đó là Cát Tường Thoại (吉祥話- jí xiáng hùa), tạm dịch là những lời chúc lành. Các lời chúc thường thấy là:
- “Chúc mừng năm mới” (新年快乐 hoặc 新年快樂- xīn nián kuài lè- Tân niên khoái lạc), đây là lời chúc mới xuất hiện do ảnh hưởng của lời chúc “Happy New Year” trong tiếng Anh.
Chúc người trung niên: 新年大勝: Tân niên đại thắng, tức “Năm mới lời to”.
Chúc người già: 新年輕健: Tân niên khanh kiện, tức “Năm mới mạnh khỏe.
Các lời chúc khác: 新年好,祝你 : Tân niên hảo, chúc nễ, tức “Năm mới tốt lành, chúc bạn”:
- “Quá niên hảo” (过年好 hoặc 過年好- guò nián hǎo) trong năm ngày đầu năm mới.
- 生意興隆: Sinh ý hưng long, tức “Tạo mối hưng thịnh lên”;
-萬事如意: Vạn sự như ý;
- 新年快樂: Tân niên khoái lạc, tức “Năm mới vui vẻ”;
-身体健康: Thân thể kiện khang, tức “Sức khỏe kiện khang”;
-万事如意: Vạn sự như ý;
-合家欢乐: Hợp gia hoan lạc, tức “Hợp gia vui sướng;
-生活美满: Sinh hoạt mỹ mãn;
-事业有成: Sự nghiệp hữu thành;
-珠玉满堂: Châu ngọc mãn đường, tức “Châu ngọc đầy nhà”;
-多寿多富: Đa thọ đa phú, tức “Càng thọ càng giàu”;
-财大气粗: Tài đại khí thô;
-恭喜发财 : Cung hỉ phát tài;
-大吉大利 : Đại cát đại lợi;
-全家平安 : Toàn gia bình an;
工作顺利 : Công tác thuận lợi;
-马到成功 : Mã đáo thành công;
-戰無不勝, 战无不胜: Chiến vô bất thắng và 攻無不剋,攻无不克: Công vô bất khắc, tức “Đánh đâu là thắng đó, làm gì thì cũng mang về thắng ;
-春節祝福, 春节祝福 : Xuân Tiết chúc Phúc, tức “Chúc Phúc Xuân sang”.
- “Cung hỷ phát tài” (恭喜发财 hoặc 恭喜發財- gōng xǐ fā cái). Nhưng thực câu này có lịch sử lâu đời. “Cung hỷ”, theo truyền thuyết, là lời chúc mừng sau khi sống sót sau sự tàn phá của con niên, hoặc là qua mùa đông khắc nghiệt. “Phát tài” là từ được thêm vào sau này khi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng có vai trò quan trọng hơn ở các cộng đồng người Hoa khắp thế giới. Câu này ngày nay cũng được dùng trong nhiều bài báo, ngữ cảnh nói và viết bằng tiếng Anh ở những nơi có cộng đồng lớn người Hoa kiều hay sinh viên du học người Hoa.
- “Tuế tuế bình an” (歲歲平安 suì suì píng ān) nghĩa là “Năm năm bình an”.
- “Niên niên hữu dư” (年年有餘, nián nián yǒu yú).
-节日快乐, 愿你一年365天, 天天开心, 时时快乐, 分分精彩, 秒秒幸福.新年快乐: Tiết nhật khoái lạc, Nguyện nễ nhất niên 365 thiên, Thiên thiên khai tâm, Thời thời khoái lạc, Phân phân tinh thái thể, Sao sao hạnh phúc. Tức “tân niên khoái lạc tiết nhật vui vẻ, mong bạn trong 1 năm 365 ngày thì từng ngày khai tâm, từng giờ vui vẻ, từng phút tinh thông, từng giây hạnh phúc,....chúc mừng năm mới”;
- 祝贺新年! 新年快乐!万事如意!身体健康!_”Chúc hạ Tân niên! Tân niên khoái lạc! Vạn sự như ý! Thân thể kiện khang”.
Được chúc thì tốt nhất đáp lại: 合家同同: Hiệp gia đồng đồng, tức “Mọi người như nhau”.
- Lương Đức Mến, ST, BS từ nhiều nguồn-
[1] Đó là trước đây, còn từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) nước này đã chuyển sang dùng lịch dương cho các ngày lễ tương ứng trong lịch âm và đã bỏ Tết âm lịch..
[3] Đông Phương Sóc cho rằng ngày đầu tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Do vậy 07/Giêng còn gọi là Nhân Nhật
[4] Bây giờ học lắm cấp nhiều thầy lại cư ngụ xa nhâu nên tục này đã mai một!
[5] Với gia đình tôi còn là ngày giỗ bác ruột bố tôi. Cụ mất sớm không người kế tự.
Nhưng hình như ngày nay một vài phong tục phương Tây tràn sang đã lẫn át phong tục cổ truyền. Tết Nguyên Đán cũng vậy.
Trả lờiXóa