Người đi vỡ đất

28 tháng 4 2025

TÌM HIỂU VỀ CÁC THUẬT NGỮ THƯỜNG DÙNG NHƯNG DỄ LẪN

Sắp tới chúng ta sẽ được xem (trực tiếp hay qua màn hình) cảnh  diễu binh (Chương trình do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện với 36 khối; Dự kiến có cả các khối diễu binh của Quân đội Trung Quốc, Quân đội Lào và Campuchia) diễu hành (do Tf Hồ Chí Minh thực hiện với 4 khối Nghi trượng, 12 khối quần chúng).

Thực ra, thuật ngữ diễu binh, duyệt binh, diễu hành (quân sự) bắt nguồn từ truyền thống chiến đấu đội hình khép kín, trong đó binh lính được tổ chức theo đội hình rất nghiêm nghị, chỉnh tề, kỷ luật kỷ cương để tối đa hóa hiệu quả chiến đấu của đơn vị. Chiến đấu theo đội hình khép kín đã bị loại bỏ dần do những tiến bộ về trang thiết bị và chiến thuật quân sự. Tuy nhiên, tập trận mô phỏng là một phần quan trọng của giáo dục và đào tạo quân sự để truyền đạt lòng tự hào và kỷ luật cho quân nhân. Vào thời cổ đại, tập trận trở nên quan trọng hơn khi những người đàn ông ngừng chiến đấu như những cá nhân và bắt đầu chiến đấu cùng nhau như những đơn vị. Do vậy, nghi thức diễu binh, duyệt binh, diễu hành vẫn được duy trì và thực hiệu có hiệu quả tại Liên Xôn, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam,…

Các thuật ngữ “diễu binh”, “duyệt binh”, “diễu hành” đều là ĐỘNG TỪ nhưng mỗi thuật ngữ mang một sắc thái, ý nghĩa, quy mô riêng. Trong đó:

DIỄU HÀNH là việc đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh hoặc để biểu thị thái độ chính trị, được tổ chức với nhiều lý do khác nhau, nhưng thường là một dạng bữa tiệc hay lễ hội.

Đây chính là sự thể hiện. ghi nhận và biểu dương sức mạnh toàn dân. Ví dụ nhân dân, các đoàn thể, giới chức,… diễu hành mừng ngày Quốc khánh.

DIỄU BINH Lực lượng vũ trang được sắp xếp theo hành lối, chỉnh tề có mang theo cờ, vũ khí,… lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố với hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, …để biểu dương sức mạnh.

Đây là hoạt động công khai khi lực lượng vũ trang diễu qua lễ đài hoặc diễu hành trên đường phố với hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất và đúng quy cách nhằm biểu dương sức mạnh quân sự và tinh thần đoàn kết của lực lượng vũ trang trước công chúng và các đại biểu quốc tế. Đó là màn biểu dương sức mạnh tổ chức, kỹ thuật và tinh thần kỷ luật thép của LLVTND. Ví dụ cuộc diễu binh nhân ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng,…

Diễu binh không phải để phô trương, mà là để người trẻ nhớ rằng Tổ quốc mình mạnh mẽ ra sao, là lời tuyên bố với thế giới: Dân tộc này sẵn sàng đứng dậy, sẵn sàng chiến đấu, và không thế lực nào được phép coi thường.

DUYỆT BINH đội hình chính là LLVT, với hàng ngũ chỉnh tề kèm cờ, vũ khí, trang bị, phương tiện,…đủ các quân binh chủng,… diễu qua lễ đài trong các buổi lễ long trọng nhằm biểu dương sức mạnh.

Đây là nghi thức trọng thể, diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo cấp cao; là một hoạt động được tổ chức nhằm kiểm tra đội ngũ của lực lượng vũ trang một cách tượng trưng, để “ra mắt” các loại vũ khí, thiết bị chiến đấu hiện đại,… nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của LLVT trước công chúng và các lãnh đạo cấp cao. Đây không chỉ là dịp để biểu dương sức mạnh quân sự mà còn là cơ hội để kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội, đồng thời thể hiện sự nghiêm túc và kỷ luật trong hàng ngũ quân đội; khẳng định thế đứng kiêu hãnh của quốc gia.

Duyệt binh không phải để vui mắt, mà để nhắc con cháu: Muốn có hòa bình, phải giữ lấy khí phách. Muốn có độc lập, phải cảnh giác từng giờ.

Ở Việt Nam kể từ ngày nước nhà giành được độc lập tới nay đã diễn ra 3 cuộc duyệt binh quy mô lớn và nhiều cuộc diễu binh, diễu hành tổ chức vào các năm chẵn kỷ niệm Quốc khánh hoặc kỷ niệm chiến thắng lịch sử diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngoài việc biểu dương sức mạnh của quân đội, công an còn có sự tham gia của các loại vũ khí, phương tiện quân sự như máy bay, xe tăng, pháo, tên lửa….

Cuộc duyệt binh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa diễn ra ngày 1/1/1955 khi “Ra mắt” phái đoàn lãnh đạo trở lại thủ đô sau 9 năm kháng chiến.

20 năm sau, ngày 15/5/1975, diễn ra cuộc duyệt binh mừng chiến thắng tại thành phố Sài Gòn vừa giải phóng với sự hiện diện của các lực lượng vũ trang và vũ khí, phương tiện quân sự.

Sau đó cuộc Duyệt binh ngày 2/9/1975 mà khóa tôi học (69 B, ĐHQY) có tham gia (tôi do "thấp bé nhẹ cân" nên chỉ ở chân phục vụ !). Song ngày 2/9/1985, duyệt binh kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một cuộc duyệt binh có quy mô lớn nhất từng được tổ chức trên Quảng trường Ba Đình (A85) với 30.000 người tham dự, máy bay bay đội hình biểu diễn trên.

Cũng phải kể đến buổi diễu binh, diễu hành năm ngoái kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) tổ chức vào sáng ngày 7/5/2024 tại Sân Vận động tỉnh Điện Biên.

Nhưng nếu năm nào cũng khoe quân, khoe trang bị, khí cụ thì dân sẽ mệt mỏi, ngân sách sẽ tốn kém và dễ lộ bí mật quốc gia!. Song nếu quá lâu không khẳng định sức mạnh, thế hệ sau dễ ngủ quên trên chiến thắng, dễ quên máu xương cha ông và không có tác dụng răn đe kẻ dòm ngó!.

Trên thực tế, có thể hiểu ngắn gọn, đầy dủ theo giảng giải trong “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên như sau:

Diễu hành: Đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh.

Diễu binh: Lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh.

Duyệt binh: kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng.

Dù thế nào, mỗi lần có diều, duyệt là thêm một tự hào, xác định trách nhiệm.

-Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK, cuối tháng 4/2025-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!