Người đi vỡ đất

06 tháng 8 2024

Suy nghĩ về VIỆC HỌ, VIỆC HIẾU

Đọc sách, khảo sát thực tế, chắt lọc mà soạn ra những điều tâm huyết đã lưu lại trên Blog này là tâm nguyện của tôi qua tuổi “Nhi nhĩ thuận” 而耳順[1]. Tâm nguyện ấy đến nay đã dần hiển hiện lên đây bằng những dòng chữ.

Đọc kỹ lại tôi càng thấy rõ VIỆC HIẾU, VIỆC HỌ bao gồm nhiều phần việc, kéo dài suốt cả đời người, nó theo chân con người đi đến mọi nơi, lan ra làng, xã, đường phố từ nơi thâm sơn cùng cốc tới chốn phố thị phồn hoa.

Là người vô thần nhưng tôn trọng tâm linh nên tôi hiểu rằng dù tin, theo hoặc không tìn, theo một tôn giáo nào nhưng rõ ràng tôn giáo luôn là công cụ có thể khuyến khích và hỗ trợ mọi người thực hành tâm linh. Nói cách khác có thể đạt được tâm linh thông qua các phương tiện của tôn giáo. Song muốn đạt hiệu quả còn phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và công đức hoặc nghiệp lực của mỗi người. Những kiến giải về nghi thức, tập tục ở những trang tôi từng soạn ra, tâm đắc lưu lại chính là nhằm mục đích trau dồi sự hiểu biết bằng việc tìm hiểu, ôn lại, chép ra, kể lại những tinh hoa trong túi khôn của tiền nhân, những việc hay của thiên hạ.

Ngược dòng lịch sử chúng ta biết rằng: Việt Nam là một trong những cái nôi đầu tiên của loài người trong đó giai đoạn phát triển của người tối cổ sang người tinh khôn (Người khôn ngoan sớm) là thời kỳ Văn hóa Ngườm (23.000 tCn). Thời kỳ đồ đá cũ này người Việt cổ sống thành thị tộc, với hoạt động kinh tế là săn bắt, hái lượm. Đến thời Văn hóa Sơn Vi (20.000 - 12.000 tCn) thuộc hậu kỳ đá cũ thì người Việt cổ sống thành từng bộ lạc, chủ yếu ngoài trời trên các đồi gò trung du, chỉ một số ít sống trong hang động. Đến thời Văn hóa Hòa Bình (12.000 - 10.000 tCn) thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới đã hình thành các bộ lạc nguyên thủy và họ đã biết trồng các loại rau củ, cây ăn quả và đặc biệt là đã biết trồng lúa. Sau này, cư dân Bắc Sơn (10.000 - 8.000 tCn) mặc dù đã biết đến nông nghiệp nhưng nguồn sống chính vẫn là nhờ săn bắt và hái lượm, đã biết chế tác đồ gốm và cấu trúc xã hội của cư dân Bắc Sơn vẫn nằm trong khuôn khổ công xã thị tộc mẫu hệ nhưng đã bắt đầu định cư trong các xóm làng. Trong thời Văn hóa Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 tCn, một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới) là thời kỳ các bộ lạc cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở lưu vực sông Hồng đã đạt đến trình độ cao trong kỹ thuật chế tác đồ đá và biết đến nguyên liệu đồng thau. Sang thời Văn hoá Đồng Đậu (1.500 - 1.000 tCn) người dân đã phổ biến dùng đồ đồng, sống ngoài trời trên các đồi gò trung du Bắc Bộ với một nền kinh tế khá ổn định, tụ họp nhau thành làng.

Có làng là phải có những quy ước, quy tắc chung nặng về phong tục, về phép ứng xử trong “khao vọng, hương ẩm, kính biếu, phạt vạ, cưới cheo, tang ma”...Sau này, khi lập nước, có “phép vua” nhưng nhiều vẫn đề cụ thể ở làng xã, luật vua phép nước không thể đề cập hết được hoặc có nói tới chỉ là chung chung, nên lệ làng vẫn có mảnh đất mầu mỡ sinh sôi. “Phép Vua thua lệ làng” 𢃊𪿐例廊 là thế! 

 Đến thời phong kiến suy vi, nhiều thứ lệ làng trở thành tệ nạn song những “thuần phong mỹ tục” chung đúc thành bản tính, bản sắc dân tộc, góp phần làm nên nền văn hiến Việt Nam vẫn được nhà nước mọi thời tôn trọng, cổ vũ.

Thời tự chủ những lệ làng (hương ước, khoán ước) do dân làng đặt ra có tác dụng trong một làng và phần lớn đều ở dạng thành văn, ít khi tồn tại theo cách truyền miệng. Lệ làng phải do những người có chức quan ở trong làng soạn, soạn xong phải trình lên quan địa phương duyệt. Mà quan chức thời Khoa bảng 科牓[2] phải nằm trong hệ thống Khoa cử 科舉[3], đỗ đạt rồi mới được bổ nhiệm chứ không phải là lãnh đạo rồi mới đi học, lại học tắthọc nhẩy như một số lãnh đạo ngày nay!

Do vậy những bản những “văn bản dưới luật” ấy rất có giá trị về văn phong, nội dung, thể thức trình bày, tính khả dụng.  

Nhưng những ngày đầu lập quốc, người Việt chưa có chữ viết hoặc có nhưng đã thất truyền[4] phải dùng chữ Hán[5] trong mọi văn bản từ nhà nước trung ương đến các thủ lĩnh từng vùng, đến làng xã và mỗi gia đình; sau đó mượn chữ Hán để ghi âm Việt thành ra chữ Nôm[6] trong mấy nghìn năm.

Sau này, đến thời cận đại khi tiếp xúc với văn hoá phương Tây qua các giáo sĩ, nhà buôn đến truyền đạo, buôn bán trong khi Trung Hoa suy yếu dưới triều Thanh (大清國, 1644 - 1911), lại mượn chữ cái Latin ghi âm Việt được gọi là chữ Quốc ngữ[7].

Các bản Hương ước 鄕約 xưa, một phần thất lạc do Thủy , Hỏa, Đạo , Tặc , một phần với lịch sử ngôn ngữ như vậy nên đã “tam sao thất bản” (H: 三抄失本, A: After three copies, original is lost, P: Après trois copies, l'original est méconnaissable) không rõ đâu là bản gốc, đâu là ý của người đời sau thêm vào.

Do vậy mọi thứ nhân danh “vốn cổ”, theo “truyền thống” nếu không chưng ra được bản gốc và kém tính nhân văn không cập nhật thời đại thì đều vô giá trị.

600 năm trước, trong “Bình Ngô đại cáo平吳大誥 Nguyễn Trãi (阮廌, 1380-1442) vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi (黎利, sau là 黎太祖, 1385-1433) để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt câu thứ 6 dưới lên đã viết : “是由天地祖宗之靈有以默相陰佑 而致然也 !”, đọc là: “Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã” được Ngô Tất Tố (1894–1954) dịch là:  “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”[8].

Do vậy quốc gia, gia đình là gốc cổ thụ, là nơi gieo trồng và nuôi dưỡng hạt giống văn hóa dân tộc, là cội nguồn của con người. Nếu ông bà ta đã từng nói “giấy rách phải giữ lấy lề” thì cái truyền thống gia đình chính là cái “lề”, là phong tục thờ kính ông bà nói riêng là một nét đẹp - nét đẹp mang đậm giá trị tinh thần mà không tốn kém nhiều về vật chất, là con người Việt Nam cần hiểu đúng và gìn đúng giá trị tư tưởng cao đẹp hàng ngàn năm này.

Do quá trình “đô thị hóa”, người dân ở nông thôn đổ xô về thành thị hoặc chí ít “không ly hương cũng ly nông” để kiếm cơ may học hành, có được việc làm, để bảo đảm cuộc sống ổn định thay vì quá lệ thuộc vào thời tiết trong nghề nông. Do vậy nhiều giá trị truyền thống đã bị sao nhãng.

Trong khi, suốt một thời gian dài, trong cuộc “kháng chiến kiến quốc”, chiến đấu để bảo vệ nền độc lập và chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1945 - 1975, cả nước chú tâm xây dựng, tuyên truyền, giáo dục cho “Chủ nghĩa Cộng sản”, “duy vật vô thần”, “thượng tôn luật pháp”, xem nhẹ Tôn giáo. Từ đó dẫn đến quan niệm những gì ngược với vật chất đều là mê tín, là duy tâm, cần phải phá bỏ. Kết quả của những quan niệm thiên tả đó tạo ra lớp người chạy theo lợi ích cá nhân, trước mắt, chỉ cố gắng làm ra thật nhiều tiền để sống sung sướng, hưởng thụ. Họ chỉ biết đến bản thân, không nhớ đến Tổ tiên, nghĩ đến mai hậu, làng nước. Họ coi thường, phỉ báng việc “tích Đức”, “để Phúc”; xem thường việc thờ cúng Tổ tiên, có vãn cảnh Chùa chỉ là hình thức, chăm cầu cúng nơi được cho là sẽ đem lại lợi ích tiền của, công danh cho họ. Cũng bởi vậy họ coi lừa lọc gian dối trong buôn bán, học hành, thi cử như một chuyện bình thường, coi tham nhũng, hối lộ là việc tự nhiên và xã hội gia tăng tệ nạn.

Mặt khác, ngày nay, trong thời hội nhập, chúng ta không thể khư khư trưng khẩu hiệu “giữ gìn bản sắc dân tộc” quá tả để trở thành tôn sùng chủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism), chủ nghĩa bộ lạc (tribalism) về văn hoá. Nhưng cũng không thể xóa sạch trong tâm thức con người những tập tục, niềm tin xưa cũ trong khi khoa học chưa thật sự làm chủ cuộc sống, cái mới chưa khẳng định được sự hơn hẳn.

Thuở mông muội, hiểu biết của con người còn ít ỏi nên tin vào thần quyền, thần linh, sự huyền bí và phát sinh việc cầu xin, thờ cúng lâu thành lệ. Nhưng do chưa có chữ viết, giấy bút để chép lại; chưa có trường học nên không thể truyền đạt được mọi ý nghĩa cho thế hệ sau. Mọi lệ tục mai một dần qua hình thức truyền khẩu, người trước làm rồi người sau biến hóa đi và và những lệ tục mang đậm tính nhân văn ban đầu không còn được sử dụng theo đúng nghĩa nữa, tình trạng “tam sao thất bản (A: After three copies, original is lost, P: Après trois copies, l'original est méconnaissable, H: 三抄失本, ba lần chép lại thì mất bản gốc) là đương nhiên.

Từ thực tế đời sống xung quanh và của gia đình cộng với kiến thức bản thân, tôi cho rằng chỉ nên coi phong tục là những nét văn hóa cổ truyền cần được chắt lọc, đừng để phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc mà khiến mình trở thành môn đồ góp phần vào sự khủng hoảng và dung tục hóa cái vẫn được gọi là “thế giới tâm linh” phản cảm như đã xẩy ra.

Suy cho cùng, những người có đầu óc, trí tuệ, năng động và dũng cảm thường ủng hộ cái mới, phù hợp với thời đại; những người ít tháo vát, chân thật, an phận, nhút nhát, thường thích làm theo những gì thuộc về thới quen, truyền thống. Nhưng thực ra, bất kỳ ai, chỉ cần có tri thức, kính nghiệm một chút, cũng hành động tùy theo sức của mình. Mọi sự cực đoan đều là sai lầm mà cần chọn lựa và tích hợp những cái hay, cái tốt, loại bỏ những cái dở, cái sai của tục xưa nặng nề, rối rắm và cái du nhập, nẩy sinh mới phóng khoáng nhưng hời hợt, bất nhân.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong xã hội phát triển, văn minh hơn thì những hủ tục vô nghĩa khi xưa nên dừng lại.

Song, trong thế giới hiện đại, ngay trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị  (A: International Covenant on Civil and Political Rights-ICCPR, P: Pacte international relatif aux droits civils et politiques, H: 公民權利和政治權利國際公約) được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (A: United Nations General Assembly, -UNGA/GA, P: Assemblée générale des Nations unies, H: ) thông qua tại phiên họp ngày 16 tháng 12 năm 1966, có hiệu lực từ ngày 23 tháng 03 năm 1976, Việt Nam ký tham gia ngày 24/9/1982[9], đã quy định:

1) Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

2) Không ai bị cưỡng bách tước đoạt quyền tự do lựa chọn tôn giáo hay tín ngưỡng.

3) Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.

4) Các quốc gia hội viên ký Công Ước này cam kết tôn trọng quyền của cha mẹ hay người giám hộ trong việc giáo dục các con về tôn giáo hay đạo lý theo tín ngưỡng của họ.

Do vậy những vấn đề về tư tưởng, tôn giáo và niềm tin tâm linh mãi song hành cùng với lịch sử nhân loại. Có điều nên ứng xử ra sao cho hợp thời, thỏa mãn mọi đối tượng. Những bình phẩm chỉ dẫn chắt lọc đã đưa ra chắc chắn còn thiếu và chưa phải đã là duy nhất đúng. Nhưng thực thi được như vậy, theo tôi đã là đạt hiệu quả lắm rồi trên phương diện kế thừa có chọn lọc cho phù hợp.

-BS từ nhiều nguồn TK và trải nghiệm thực tế, chép lại có bổ sung 03/7/Giáp Thìn-


[1] Nguyên câu nói của Khổng Tử (孔子/ 孔夫子, 551- 479 tCn) là: 三十而立, 四十而不惑, 五十而知天命, 六十而耳順, 七十而從心欲,不踰矩 (Tam thập nhi lập, Tứ thập nhi bất hoặc, Ngũ thập nhi tri thiên mệnh, Lục thập nhi nhĩ thuận, Thất thập nhi tòng tâm dục bất du cự. Nghĩa là:  Ta từ 15 tuổi để chí vào sự học,  30 tuổi thì lập chí không còn thay đổi,  40 tuổi thì hết nghi hoặc,  50 tuổi thì biết được mệnh Trời,  60 tuổi thì tai nghe đã thuận đạo Trời, 70 tuổi thì tùy lòng muốn mà không ra ngoài phép tắc). Do câu nói nầy của Ðức Khổng Tử, người ta dùng chữ “Bất hoặc” để chỉ tuổi 40, chữ “Tri Thiên mệnh” để chỉ tuổi 50, “Nhi nhĩ thuận” chỉ tuổi 60.

[2] Trong chế độ thi cử Nho học, người đỗ được liệt kê tên họ vào cái bảng danh dự nên được gọi là Khoa bảng 科牓,  từ đó phần lớn được tuyển chọn làm quan chức cho triều đại.

[3] Các kỳ thi Nho học (Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình) ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông ( 李仁宗, 1066 – 1128) và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định (阮福寶嶹, 1885-1925). Trong 845 năm (1075-1915) đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau, song trong các đời Lý (李朝, 1909-1225), Trần (陳朝, 1225-1400 ), Hồ (胡朝, 1400-1407) có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức, chỉ đạo.

[4] Những năm gần đây, một số học giả cho rằng người Việt cổ từng có chữ  viết là bộ chữ tượng thanh, ghép những chữ cái thành từ dùng để ghi tiếng nói của người Việt, nó giống hình con nòng nọc nên gọi là Khoa đẩu văn 蝌蚪文, được xếp vào lối chữ Loan hoàng khoa đẩu 鸞凰蝌蚪. Trong nghìn năm Bắc thuộc (北屬時代, 207 tCn-938), chữ Việt cổ ấy đã bị tuyệt diệt do âm mưu Hán hóa. Do vậy không thể phổ biến và không còn lưu truyền đến nay.

[5] Nhiều tác giả cho rằng chữ Hán du nhập vào Việt Nam từ trước đó, vào khoảng thế kỷ 1 trước công nguyên thời Tây Hán (西漢, 111 tCn-24 sCn), còn gọi là chữ Nho. Trong suốt thời gian Bắc thuộc, tiếng Hán đã được giảng dạy ở đất Việt và người Việt chấp nhận ngôn ngữ mới đó song song với tiếng Việt, tiếng nói truyền miệng nhưng đã phát triển theo hướng khác với sự phát triển tiếng Hán ở chính quốc. Cách phát âm chữ Hán dựa vào cách đọc của người Hán trước thời Đường (唐朝, 618 – 907) theo âm của người Việt tạo ra âm Hán-Việt.

Đỉnh cao của Khoa cử người Việt thời Bắc thuộc là Khương Công Phụ (姜公輔, 731-805),người làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, châu Ái (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đỗ Tiến sĩ 進士 năm Quảng Đức thứ hai (廣德二年, 764) đời Đường Đại Tông (唐代宗, 726-779), đỗ trạng nguyên năm 780 đời Đường Đức Tông (唐德宗, 780-805), được bổ làm Hữu thập di Hàn Lâm học sĩ 右拾遺翰林學士, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân 經肇戶曹參君về sau thăng tiến tới chức Gián Nghị Đại Phu, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (諫議大夫同中書門下平章事, như Tể Tướng 宰相). Ông được nhiều người đời sau đánh giá là người mở đầu nền văn học viết nước ta.

[6] Do nhu cầu ghi địa danh, tên người hoặc những khái niệm không có trong Hán tự, người Việt đã sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ viết của mình, đó là chữ Nôm 字喃 với những nguyên lý khá phức tạp. Đây là văn tự ngữ tố, mỗi chữ biểu thị một âm tiết của tiếng Việt. Chữ Nôm là một loại văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Chưa xác định chính xác thời điểm hình thành chữ Nôm chỉ biết rằng chữ Nôm được ghi nhận thành quốc ngữ 國語, chính thức xuất hiện và phát triển khi quan Hình bộ Thượng thư 刑部尚書 Nguyễn Thuyên (阮詮, tức Hàn Thuyên 韓詮, 1229-?) vâng lệnh Trần Nhân Tông (陳仁宗, 1279-1293), làm bài “văn Tế cá sấu”  文祭 𩵜𩽉 bằng chữ Nôm vào mùa thu năm Nhâm Ngọ 壬午 1282, khi quân Nguyên (元朝, 1271 - 1368) đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2. Tuy nhiên, chữ Nôm vì được cấu tạo trên căn bản chữ Hán, nên khi muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán nên vẫn không phổ thông và ít được sử dụng rộng rãi.

[7] Giữa thế kỷ 16, khi đến Đại Việt để truyền dạy ĐạoThiên Chúa, các giáo sĩ phương Tây  như Francisco de Pina (1585-1625), Gaspar d’Amaral (1594-1646), Antonio Barbosa, Alexandre De Rhodes (tức Cha Đắc Lộ 神父, 1591-1660)…sau này là Pigneau de Behaine (tức Bá Đa Lộc 百多祿, 1741- 1799) có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt, trước hết là các thầy giảng đã nghiên cứu, và soạn ra bộ chữ dùng chữ La tinh để ghi âm tiếng Việt dùng cho việc giảng đạo bằng ngôn ngữ bản địa. Đây loại chữ lấy âm tố làm đơn vị, có quy tắc khoa học, dễ viết, dễ phát âm, dễ học. Nhưng bị giới hạn chỉ dùng để giúp các Cha giảng, truyền đạo trong lúc cả nhà Trịnh và nhà Nguyễn đều thực thi chính sách cấm đạo nên chữ  Quốc ngữ đã không thể phát triển, truyền bá rộng rãi. Đến khi toàn quyền Đông Dương Martial Merlin (1923-1925) vào ngày 18/9/1924 ký quyết định dạy chữ Quốc ngữ ở ba năm đầu cấp tiểu học thì sự truyền bá chữ Quốc ngữ mới được chính thức, rộng khắp ở mọi nơi trên mọi lĩnh. Sau khi giành chính quyền, tuyên bố độc lập, 08/09/1945 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà có  Sắc lệnh số 20 về học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Tuy nhiên các văn bản truyền thống (Gia phả, Văn sớ…) và ngay trên văn bản của nhà nước vẫn xen dùng chữ Hán. Ví dụ: Giấy Khai Sinh năm 1938 vẫn còn sử dụng 4 ngôn ngữ (Hán, Nôm, Quốc ngữ và Pháp); tiền Đông Dương (P: Piastre indochinoise, H: 法屬印度支那元) phát hành và lưu thông trong thời gian từ năm 1885 đến năm 1954 có dòng chữ Hán 東方滙理銀行 (Đông phương hối lý ngân hàng). Sau này trên tờ tiền giấy do Chính phủ VNDCCH phát hành vào ngày 31/01/1946 và lần đổi tiền ngày 06/5/1951thì tên nước và mệnh giá viết bằng Quốc ngữ (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và chữ Hán (越南民主共和); chỉ từ sau lần đổi tiền ngày 28/02/1959 trở đi thì mới hoàn toàn không còn chữ Hán. Chữ Việt nay có 29 chữ cái, có 149 âm tố, có 6 thanh điệu.

[8] Câu này thời chúng tôi học phổ thông (1962-1973) không thấy, chắc cho rằng đấy là “duy tâm”!

[9] Tính tới ngày 19 tháng 12 năm 2010, đã có 72 nước ký vào Công ước và 167 bên tham gia. Trung Quốc, Cuba, Comoros, Nauru, và São Tomé và Príncipe đã ký nhưng chưa thông qua công ước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!