Người đi vỡ đất

28 tháng 6 2024

Nghĩ về TẤM BẰNG và NGƯỜI CÓ BẰNG

Tôi không có “ác cảm” gì với những tấm bằng và những người có bằng (dù là bằng gì)!

Xin nói luôn để mọi người cùng thông cảm và hiểu cho người đang stt:

Trong “tiểu gia đình” tôi thì tôi và các con Trai, Gái, Rể đều có bằng sau Đại học mà là bằng “chính quy” hẳn hoi! Nhớ hồi đương chức, tôi rất ghét “người mang bằng giả” nên với những vụ việc liên quan đến vấn đề này mà được giao thụ lý tôi rất “kiên quyết” và “khẩn trương” đúng theo quy định, không bao giờ châm trước”, dù đương sự có thân quen hay cậy nhờ bất kể ai 

Với “đại gia đình” (gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng lên sinh cư, lập nghiệp tại Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai từ 02/1964) thì ngày 31/3/2011, đúng ngày Hội Phụ nữ xã Phong Niên tiến hành họp Đại hội nhiệm kỳ 2011-2016, UBND xã tổ chức trao XÁC NHẬN KỶ LỤC cho Mẹ tôi vì Gia đình có nhiều người trình độ Đại học trở lên (đây là một trong 5 kỷ lục của xã và 1 trong 30 kỷ lục của huyện Bảo Thắng được xác lập, HĐTĐKT huyện xét và Chủ tịch UBND huyện công nhận tại Quyết  định số 7810-QĐ/UBND ngày 23/7/2010).

Có điều, mấy ngày nay MXH rộ lên bàn tán về một tấm bằng Tiến sĩ mà một người khá nổi danh lấy được rất thần tốc từ một trường Đại học danh tiếng nên tôi cũng “a dua” đôi điều, cho đỡ “lạc bầy”!

Trước hết, giới hạn trong phạm vi bài này, BẰNG là “Giấy cấp cho người thi đỗ, hoàn thành việc học, hành (một chương trình nào đó); ví dụ: Bằng tốt nghiệp (văn hóa, chuyên môn kỹ thuật, chính trị, nghệ thuật,…). Nó là MỘT CHỨNG CHỈ rất có giá trị !

Thời xưa nữa, tôi chưa “mục đích sở thị” thế nào chứ lứa chúng tôi muốn vào đời, ra làm việc phải đủ mấy bằng: Cấp 1 (hết lớp 4), Cấp 2 (hết lớp 7), Cấp 3 (hết lớp 10), Đại học (4-6 năm), Phó Tiến sĩ (sau Đại học, có tính chất tổng kết lý thuyết), Tiến sĩ (sau Cao học, có tính chất phát minh). Đặc biệt các tấm bằng ngày đó khá đơn giản nhưng hầu như chưa thấy có loại bằng giả và chắc cũng chả ai nghĩ tới việc xài bằng giả, làm bằng giả !

Thêm nữa, về hình thức học thì hồi đó có các hệ: tập trung, chuyên tu, tại chức và riêng ngành y thì không hề thấy có hình thức học tại chức”,...

Bây giờ thì khác, các trung tâm đào tạo, “lò ấp”,…mọc như nấm sau mưa rào, các Giáo sư (nghỉ hưu) đua nhau mời gọi (chắc để kiếm thêm thu nhập và…độ bóng), các giảng viên, PGS cũng đua nhau “tìm kiếm” người cần hướng dẫn (để “nâng cấp”, thêm điểm).

Mặt khác, mấy cán bộ đương chức lăm le “ngoi lên” cần tấm bằng để “hợp thức hóa”, để “trang trí”, “khoe mẽ”, đe hàng tổng,  “lòe” thiên hạ,…!

Thế là đôi bên gặp nhau, lại được “cơ chế thoáng” cho phép, khuyến khích và cứ thế bung ra!

Thêm nữa, cơ quan sử dụng cán bộ tuy rất đề cao bằng cấp nhưng đôi khi lại tạo kẽ hở cho việc này. Ví dụ ở tỉnh nọ khi Bí thư Tỉnh ủy có con, cháu tham gia ứng tuyển chỉ có bằng tại chức, trong khi quy định phải có bằng chính quy”, đúng chuyên ngành. Nên để hợp thức, vị bí thư “chỉ đạo” cơ quan tổ chức soạn văn bản trình thường vụ tỉnh ủy sửa lại quy định có nội dung: trong thời điểm nguồn cán bộ không đủ như hiện nay, chấp nhận tiêu chuẩn vừa phải, do vậy chấp nhận bằng tại chức, có nội dung tương tự”. Sau khi bổ nhiệm người thân của mình xong, bí thư tỉnh ủy kia lại yêu cầu quy định như cũ.

Như vậy, rõ là cơ quan chức năng đã cố tình hạ thấp “tiêu chuẩn bằng cấp”! Đấy là sai nhưng rất hợp lý, hợp thức hóa quy trình. 

Về hình thức học thì quả là theo kiểu BÁCH GIA TRANH MINH (百家爭鳴, nở rộ vào giai đoạn từ thế kỷ thứ 6 đến năm 221 tCv trong thời kỳ Xuân Thu 春秋 và Chiến Quốc 戰國 時代)đủ loại và riêng  tại chức thì được gọi là  vừa học vừa làm hay  vừa làm vừa học chi đó tôi cũng chả rõ!

Ấy là chưa biết chuyện nên không có tư liệu viết, kể về tình cảnh học hộ, thi hộ, kể cả làm quan hộ,... vốn không hiếm gặp, đến nỗi cổ nhân phải thốt lên:

Con nên khoa giáp cha mòn trán, 

 Em được công danh chị nát trôn!

Vì vậy chất lượng thì khỏi phải bàn và chứng minh nữa bởi đầy rẫy trên mạng và ở xã hội rồi!

Bản thân người viết stt này từng “hầu chuyện” một Tiến sĩ (bằng thật được bảo vệ theo đúng quy trình ở một trường thật), khi hỏi về Ngoại ngữ, ổng “LÓI”: chỉ biết LÂU và YẾT ! (Thực ra là “No and yes”) !

Thế mới có chuyện, dân gian gọi một cách khôi hài, mỉa mai “Tiến sĩ” là “thiến sót” và “Giáo sư” là “gà sống” hợp lại “Giáo sư Tiến sĩ” thành “Gà sống Thiến sót” và có “giáo sư” được đồng nghiệp gọi là “gáo sư” và tố cáo là “chưa có bằng Đại học” ! Ngay ngành nghề tôi gắn bó suốt mấy chục năm, có GsTs (Gà sống thiến sót) chuyên ngành An ninh hiểu KHHS thành Khóa hóc Sinh sự”, là Kỹ thọt Sinh sự, ... (thực ra là Khoa học Hình sự và Kỹ thuật Hình sự!).

Riêng về loại nhẩy cóc này có thể tạm chia ra: Bằng thật nhưng nội dung giả; Bằng thật, nội dung thật nhưng kiến thức giả; Bằng giả hoàn toàn;...!

Do vậy, càng cần lắm người viết và hiểu bài thơ trào phúng TIẾN SĨ GIẤY (Ông nghè tháng tám) của cụ Tam nguyên Yên Đổ 三元安堵 Nguyễn Khuyến (阮勸, 1835-1910) viết hồi đầu thế kỷ XIX mà chắc ối người đã thuộc, khỏi chép lại!

Học, có bằng cấp để thực thi công việc tốt hơn, chất lượng hơn,...tôi rất ủng hộ. Nhưng dùng nó để “hợp thức hóa” việc thăng chức, lên lương; để “trang trí”, “khoe mẽ”, đe hàng tổng,  “lòe” thiên hạ,… thì rất không nên, không được!

Rất tiếc, nhiều lãnh đạo hiện nay bằng cấp khá lởm khởm nên việc khuyến khích các cháu học hành chăm ngoan, tử tế xem ra không đơn giản chút nào!

-         Lương Đức Mến, Hè 2024-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!