Người đi vỡ đất

03 tháng 11 2023

ĐƯỜNG XA NGHĨ NỖI SAU NÀY MÀ KINH

Lâu rồi, chả đụng đến Truyện Kiều 斷腸新聲, hôm nay, sau giấc “đẫy tễ” giật mình tỉnh dậy rồi trằn trọc mãi, giơ tay với quyển sách quen, lần giở được câu 217-218. Trong đó cụ Nguyễn (阮攸, 1766 – 1820) viết rằng:

没命量慮更迡

Một mình lưỡng lự canh chầy,

塘賒擬浽𡢐尼麻驚

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!

Như mọi lần, thử tìm hiểu ngữ nghĩa:

Hai câu này thuần Nôm, khá dễ hiểu.

Lưỡng lự”: là một động từ chỉ sự cân nhắc, nghĩ ngợi nhiều, còn đang suy tính xem nên hay không nên, chưa biết quyết định như thế nào cho đúng. Nó đồng nghĩa với các từ Đồng nghĩa: do dự, đắn đo, phân vân .

Canh chầy”: có “chầy” là một Tính từ chỉ sự chậm, muộn, lâu và cả dài nữa. Trong Kiều còn có câu: “Đành lòng chờ đó ít lâu, Chầy chăng là một năm sau, vội gì!” và “Một mình âm ỉ đêm chầy, Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh” còn “canh” là  Danh từ  chỉ khoảng thời gian bằng một phần năm của đêm, thời trước dùng làm đơn vị tính thời gian về ban đêm; cũngtrong Kiều, có câu “Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.”. Như thế “Canh Chầy” là đêm khuya lắm rồi!

Đường xa” tức đường còn dài về sau, với Kiều đó là quãng thời gian được cụ Nguyễn kể trong câu 2665-2668: “Ma đưa lối quỷ đem đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. Hết nạn ấy đến nạn kia, Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần.”

Như vậy, hai câu 217-218 mô tả nỗi niềm của Thúy Kiều 翠翹 ngay Đoạn 2 của chuyện: sau khi gặp Kim Trọng 金重, một người “vốn nhà trâm anh “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Tuy chưa kịp nói với nhau một lời nhưng sau cuộc gặp gỡ này thì “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” nên Kiều rất Vui! Nhưng về nhà khi ngủ gặp giấc mộng dài, khá hoảng loạn. Trong mơ, Thúy Kiều gặp Đạm Tiên 淡仙 một tiểu kiều, Có chiều thanh vận, có chiều thanh tân” và được nàng kỹ nữ “nổi danh tài sắc một thì” này báo trước “trong sổ đoạn trường có tên”. Khi “Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao”, Kiều đâm ra lo sợ, trằn trọc đầy những dự cảm xa xôi, mơ hồ về cuộc đời đầy éo le, bất định, nhiều rủi ro và bất hạnh, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường.

Nhưng, lẽ đời dẫu có dự cảm đượcPhận con thôi có ra gì mai sau” nhưng số phận đã an bài nên “Cũng liều nhắm mắt đưa chân” mà quả như thế thật!

Thực tế cho thấy nhiều người cũng tinh thông lý số đấy, khi nhận một công việc dù thấy trước những thử thách, khó khăn, rủi ro nằm ngoài khả năng quyết định của mình nhuqng vẫn phỉa nhận và thực thi ! Câu thơ đó như nhắc nhở chúng ta về cơ trời mà tương lai là một viễn cảnh mông lung đầy kinh hãi. NHưng chả ai mà không phải đi qua!

Như vậy, nếu cẩn thận quá, luôn trằn trọc “lưỡng lự canh chày”, thì ai cũng có nỗi sợ “đường xa”. Tuy nhiên, con người vẫn có mong muốn thách thức các giới hạn, nếu còn một cơ hội dù chỉ là trong ý niệm và khoảnh khắc. Luôn chấp nhận thực tại và thử thách để vươn lên!.

Liên hệ bản thân thấy tuổi ngày mỗi cao, yếu và năng xuất làm việc, tư duy giảm hẳn, muốn buông bỏ tất cả! Nhưng đời, xã hội, gia đình chưa  “chuẩn tấu” nên vẫn phải cố dù biết rằng ắt sẽ gặp nhiều khó khăn, trục trặc!

Hồi Thượng tuần tháng 10/2023, tôi có chuyến vi vu vào tf HCM (lần thứ 5). Khi dự Đại hội đại biểu họ Lương của thành phố xong, chiều 22/10, tôi lượn đề xem lại “cảnh cũ người xưa”, kỷ niệm đâu chưa thấy gặp ngay “cơn mưa Sài Gòn”. Cứ tưởng nó như hồi 1980, “chợt đến rồi chợt đi” ai ngờ mưa dai thế! Ướt hết quần áo, thấm đẫm cả cái ĐT để ở túi quần (quá tin vào quảng cáo là “chống được ngâm nước”) nên về tới khách sạn ĐT tắt ngủm! Kịp nghe được bạn hẹn đến phố Phạm Văn Hai, ra bị “quây” cho một trận tưng bừng luôn. Trên đường về Nhà khách rẽ tiệm sửa bảo thợ mở ra, sấy khô xong về “kềnh”, chả biết trời đất gì nữa. Hôm sau, nghĩ “cứ thử xem không có ĐT thì đã sao” và chả thèm để ý nữa! Ngày 23/10 bạn vào đón ra thăm lại nơi công tác và gặp bạn bè cũ  tại Nguyễn Trãi và lại “lướt cỏ bợ”. Sáng 24 định tổng chỉnh lại ĐT thì thợ bảo “máy ngâm nước hỏng màn hình, rộp pin, mục chân Camera,…” coi như “cục gạch” nên dừng việc sang Cam, lên Đà Lạt, vào Bình Tân,…Ra Bắc và ngược luôn. Đến nhà mới biết vợ con gọi bao cuộc, tưởng đã “mất tích”, nhờ các bạn và anh em trong đó đi tìm,…Tất nhiên được “cho một trận”! Thế là chuyến bay vào Nam chỉ hoàn tất được 1 việc chính và 2 việc kết hợp còn 3 việc nữa phải bỏ!

Chả phải “đã biết sợ” mà là “không có điều kiện thực thi”. Giờ, nằm nghĩ lại cũng thấy hơi “liều” !

“Đường dài biết sức ngựa, sống lâu biết lòng người” ! Chấp nhận, tất nhiên có chọn lọc và cố gắng buông những gì có thể!.

Lương Đức Mến, đầu Đông Quý Mão-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!