Người đi vỡ đất

03 tháng 10 2023

Tìm hiểu về VĂN HÓA PHONG BÌ

Trong đời sống thường nhật, Bao thư (bì thư) hoặc phong bì (A: Envelope, P: Enveloppe, H: 封套) là một dạng bao bì phổ biến được làm bằng vật liệu phẳng, mỏng (giấy là chủ yếu), dùng để chứa đựng, bao gói một vật phẳng và mỏng (như một lá thư hoặc một chiếc thẻ, vài tờ tiền giấy,…).

Phong bì truyền thống được làm từ việc cắt tờ giấy to, gấp, dán lại tạo ra một trong các hình dạng: hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, ….theo nhu cầu và thẩm mỹ, thói quen, điều kiện của người gửi, Nếu dầy và lớn hơn có thể là hộp hay gói,…

Thời còn sinh viên, hay gửi thư (cho gia đình, bè bạn,…) chúng tôi thường tự làm lấy phong bì với nguyên liệu từ những tờ giấy thếp, xé ra từ tập vở hoặc giấy in đi xin, mua,…Cắt tạo như hình bên dưới rồi dán lại 3 cạnh có chừa ra một mép để đưa vật cần gửi vào rồi dán nắp lại. Sau này có phong bì in sẵn, xung quanh có in viền xanh đứt quãng,...; nơi dán ở nắp cũng đã bôi sẵn chất kết dính khô.

Phong bì khác nhau bởi kích thước đựng giấy, nắp, tác dụng, chất liệu. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 269 quy định nhiều kích thước phong bì chuẩn phù hợp tiêu chuẩn ISO 216:2007 của kích thước giấy.

Phong bì xuất hiện từ khá lâu trong lịch sử loài người. Những phong bì đầu tiên này đã được phát hiện bởi Jacques Jean Marie de Morgan tại thành phố cổ Susa (tỉnh Khuzestan, Iran) năm 1901.

 Văn hóa quà cáp” có bản chất nhân văn, là nét đẹp văn hóa của người dân Việt khi cần chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn giữa những người thân quen, xóm làng, họ mạc với nhau, thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết của người dân. Đó cũng là cách “giúp đỡ” khi người nhận chưa kịp chuẩn bị (ví dụ đám cưới mà bố mẹ chưa kịp sắm phích, nồi cho đôi trẻ; đám tang mà gia đình hiếu chủ chưa có sẵn gạo, gà, lợn,…).

Sau này, mọi giao dịch cần “bôi trơn” người ta dùng vật chất “làm đầu câu chuyện”, như rượu, đặc sản,…nhưng đó là những thứ cồng kềnh, khó gói, dễ “lộ”!

Khi thay quà cáp bằng tiền thì người ta đựng tiền vào phong bì và “văn hóa quà cáp” được chuyển sang “Văn hóa phong bì”. Việc đó, thành như trào lưu phổ biến vừa gọn nhẹ, vừa đáp ứng được nhu cầu của người nhận. Từ khi “Tất cả quy ra bi ô xít” thì “Văn hóa phong bì” đã bị biến tướng, sang một sắc thái khác!

Sử dụng phong bì phổ biến từ mừng hạnh phúc đôi trẻ, mừng nhà mới, mừng đầy tháng, mừng nâng lương, lên chức, thăm người ốm hoặc viếng đám hiếu, hay đi khám bệnh, hoặc “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy việc”, “chạy trường”, “chạy án”, “chạy công trình”,...đều sử dụng phong bì. Tiền trong đó nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ tình cảm, thân quen hay mức độ “khó dễ” của vấn đề người đưa cần đề cập, mức đố “khó tính”, “vị thế”,… của người nhận,…!

Thông thường Phong bì (có đựng tiền mà là tiền mệnh giá lớn, thậm chí là dollar) được đặt lẫn hoặc giấu trong các túi quà giá trị thấp để “ngụy trang”!

Muốn xóa bỏ tập tục này, còn lâu ! Bởi nó kín và được vin vào cái “thuần phong mỹ tục” và đặc biệt là cơ chế “xin” - “cho” vẫn còn hiện hữu!!

-Lương Đức Mến, ngày thèm phong bì-.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!