Người đi vỡ đất

01 tháng 10 2023

Nơi tôi sinh ra, TỪ HƯƠNG LẠP ĐẾN PHƯƠNG HẠ

Nhớ rằng: Trước 1945 cụm dân cư có dưới 10 dòng họ sinh sống gọi là thôn , trên 10 gọi là xã nhưng dân gian quen gọi là làng và nhiều lãng, xã họp lại thành tổng .

Tên làng  trong tổng nửa cuối thế kỷ XVIII có liên quan đến “điểu” : Mông Tràng Hạ 鸏場下 (nơi con Mòng đỗ xuống trong đó Cổ nhân mượn Hán tự “mông” chỉ âm đọc và chữ “điểu” chỉ loài để ký âm tên chim “Mòng”  ) và tới cây cỏ có mùi thơm, là làng Hương 廊香, với chữ “Hương” trong “Hơi thơm”, tên chữ là là Hương Lạp 香粒. Những người lập ra làng là các bậc tiên liệt họ Nguyễn , họ Mai , rồi các cụ tổ họ Lương , Đặng , Đàm Xuân 譚春, Đào Đăng 陶登...

Làng Hương là nơi tôi sinh ra và việc đổi tên làng cũng nhiều lý thú. Năm 1883, vì húy tên dưỡng mẫu Vua Kiến Phúc (建福, 1869-1884) là Nguyễn Thị Hương 阮氏香 nên “Hương” phải đổi ra “Phương” theo hướng thay chữ chuyển âm nhưng vẫn giữ lại nghĩa. Cùng đợt này, quê hương Trạng Lường Lương Thế Vinh (梁世榮, 1440 - ?): xã Cao Hương 高芗 tổng Hào Kiệt 豪傑, huyện Vụ Bản 務本, tỉnh Nam Định 南定 đổi thành xã Cao Phương 高芳 (nay là thôn Cao Phương, tục gọi làng Hương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản).

Nhưng riêng Lai Phương Thượng 來芳上, Lai Phương Hạ 來芳下, Phương Đôi của huyện Tiên Minh 先明 (nay là Tiên Lãng) không thuộc trường hợp này. Thành tố “Phương” trong các địa danh trên nguyên là “Hoa” (), năm 1841 kiêng tên mẹ Vua Thiệu Trị (紹治, trị vì 1841-1847) là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu 佐天仁皇后 Hồ Thị Hoa (胡氏華, 1790-1807, vợ của Hoàng đế Minh Mạng) mà đổi ra “Phương” cùng cảnh với việc đổi tên tỉnh Thanh Hoa = Thanh Hóa, chợ Đông Hoa = chợ Đông Ba, cầu Hoa = cầu Bông ...

Địa danh Phương Lạp có từ đó và thời HTX Nông nghiệp mạnh, cả thôn là một hợp tác mang tên Tân Trào.

Năm 1966 Hương-Hạ nhập thành một thôn Phương Hạ. Địa danh Phương Hạ có từ đây nhưng cái tên “Làng Hương”, “quán Hương” vẫn tồn tại trong tâm thức người dân vùng này và cả trong đời sống đương đại, nhất là với những người xa xứ từ những năm 196x về trước.

Về đời sống tâm linh, Phương Hạ đa phần theo Phật giáo, có Đình Hương, Đình Hạ dựng từ năm 1880 và Chùa Hương, Chùa Hạ dựng năm 1840, Nhà thờ Hạ xây năm 1920. Nói chung Đình, Chùa khá nhỏ, ít đồ tế khí. Những năm 1960 Chùa, Đình Hương, Hạ bị phá, năm 2018 đã dựng lại Chùa mới với tên gọi là Chùa Hưng Long 興隆寺 ở rìa làng nhìn sang An Thái, khánh thành ngày 09/12/2018!

Con đường ranh giới giữa Hương- Hạ đã được đổ beton 混凝土 phẳng phiu, sạch sẽ. Đường liên thôn nối Cốc Tràng lên Tân Thắng qua Đông Nam thôn đã trải beton mặt đường rộng, cắt tỉnh lộ 354 (Chợ Thái qua Cầu Khuể sang Tiên Lãng) ở Quán Hương tạo ngã tư nơi đây như một cái chợ xép với nhiều chủng loại hành hóa, dịch vụ. Đầm lầy phía Đông Bắc (giáp chợ Thái, Văn Khê), phía Tây Bắc (giáp Mông Tràng Thượng) và ao, vũng sâu phía Đông Nam (giáp cánh đồng kéo tới chân đê Văn Úc) đã được lấp đầy, thành đất thổ cư cất nhà, xây cửa hiệu.

 Hiện nay, với 30 dòng họ mà đông nhất là các họ Lương, Đặng, Đàm Xuân, Đào Đăng…, 200 hộ dân với khoảng 1500 nhân khẩu sống trên gần 100 ha đất, khá nhiều lợi thế, đặc biệt là tỉnh lộ nối Kiến An với Tiên Lãng (354), gần chợ Thái, chợ Đôi, chợ Đại, cận sông Văn Úc, Trại Tạm giam thành phố, có chợ (xép) Hương, nơi đặt trung tâm xã,…. Nhưng nhìn chung vẫn là một thôn nghèo, thế mạnh ít, cơ sở Văn hóa Tâm linh nghèo, ngành nghề phụ chậm phát triển,… so với tiềm năng.

Tuy vậy, sự đổi thay của làng xóm khá nhanh so với những năm tháng tôi còn ở quê (trước 02/1964).

-Lương Đức Mến, ngày Quốc tế người Cao tuổi 2023-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!