Người đi vỡ đất

20 tháng 5 2012

Bắc, Nam-Hai nước thay triều, đổi ngôi

Theo truyền ngôn được chép trong Gia phả họ Lương Cao Hương và họ Lương Hội Triều thì khi người Mông Cổ diệt nhà Tống, cai trị Trung Quốc (tương ứng giai đoạn đầu nhà Trần của Đại Việt[1]) là thời kỳ mà họ Lương từ Bắc quốc chạy sang Đại Việt cư ngụ, sinh ra nhiều chi phái họ Lương của Việt Nam ngày nay. Do vậy con cháu Lương tộc cần biết được những sự kiện chính thời kỳ này ở 2 quốc gia.

1. Trung Hoa không còn do Hán nhân nắm quyền:
1.1. Nhà Tống thống nhất Trung nguyên rồi suy vong sau gần 2 thế kỷ cai trị:
Cuối Thiên niên kỷ thứ Nhất, sau khi nhà Đường (唐朝, tángcháo; 18/ 6 /618 – 4/6/907) đổ, Trung Quốc lại rơi vào kỳ phân rã với “Ngũ đại thập quốc” (五代十國, 907-960). Đến năm 960 Triệu Khuông Dẫn (趙匡胤, tức Tống Thái Tổ 宋太祖) được nhà Hậu Chu 後周 trao ngôi mở ra nhà Tống (宋朝, Song; 960-1279), Trung Quốc tái thống nhất.
Triều đại này từng cho quân xâm lược Đại Việt. Nhưng bị Lê Đại Hành (黎大行; 941 – 1005) đánh tan năm 981 bằng thắng lợi vang dội của trận Bạch Đằng, Chi Lăng. Đặc biệt dưới thời Lý, danh tướng Lý Thường Kiệt (李常傑 tên thật là Ngô Tuấn[2], 1019–1105) sai làm Phạt Tống lộ bố văn 罚宋路佈文, tiến sang đánh úp 3 châu nhà Tống (cuối 1075-đầu 1076), phá Tống trong trận Như Nguyệt nổi tiếng (Xuân Hè 1076).
Đại Tống tiến hành Nam chinh nhưng chính “Thiên triều” gặp rất nhiều mối đe doạ từ biên giới phía bắc bởi người Khất Đan (Khiết Đan, 契丹) từ nhà Liêu (遼朝, 907-1125) người Đảng Hạng từ triều Tây Hạ (西夏, 1032-1227) và người Nữ Chân 女真 từ nhà Kim (金朝, 1115 -1234) dẫn đến nhà Tống bị chia rẽ thành Bắc Tống (北宋, 960-1127) và Nam Tống (南宋, 1127-1279) rồi suy vong.
1.2. Thảo nguyên mạnh lên lấn lướt trung nguyên:
Trong khi đó, trên thảo nguyên phương Bắc, năm 1206 đại hội quý tộc Khurintai trên bờ sông Ôdôn đã tôn Thiết Mộc Chân (铁木真, Тэмyyжин, Témoudjine, 1155/1162/1167-1227) họ Bột Nhi Chỉ Cân (Боржигин, Borjigin, 孛儿只斤) làm Thành Cát Tư Hãn (成吉思汗, Чингис Хаан, Tringit Khan nghĩa là ''vua vĩ đại''). Quốc gia Mông Cổ 蒙古 thống nhất, một nhà nước quân sự tập quyền chuyên chế ra đời.
Sau khi Quý Do (Guyúc) chết (1248), năm 1251 Mông Kha (Mangu, Mông Ke) lên làm Đại Hãn, tiếp tục các cuộc viễn chinh xâm lược. Đồng thời với cuộc viễn chinh sang châu Âu và Trung Á, Mông Kha cử em là Khubilai, tức Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, Khubilai Khan, 忽必烈, 1215–1294) tổ chức cuộc chiến vào miền Nam Trung Quốc nhưng nửa chừng phải về vì Mông Kha mất. Hốt Tất Liệt lên ngôi năm 1259, trở thành Hãn thứ năm của Mông Cổ và năm 1271 lập ra triều Nguyên (, Yuan Dynasty; tiếng Mông Cổ: Dai Ön Yeke Mongghul Ulus, 1271 - 1368).
1.3. Người Mông cai trị Trung Hoa và bành trướng ra thế giới:
Ngày 19/3/1279, trong trận hải chiến cuối cùng (Nhai Sơn hải chiến 崖山海戰) tại vịnh Quảng Ðông 廣東 ở đồng bằng sông Châu Giang 珠江三角洲, Hốt Tất Liệt đã đánh bại nhà Nam Tống (南宋, 1127-1279).  Khi đó Thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua nhỏ 9 tuổi là Tống Đế Bính 宋帝昺 (em Hoàng đế Đoan Tông Triệu Thị 端宗趙昰) nhảy xuống biển để cùng tử tiết. Toàn chiếm trung nguyên, Hốt Tất Liệt xưng là Hoàng đế thống trị toàn Trung Quốc mà sử ta gọi họ là Nguyên Mông (, Yuanmeng), một trong hai triều đại  không phải người Hán cai trị Trung Quốc.
Giỏi kiếm cung, tài cưỡi ngựa, tính dã man của quan quân và đầu óc bành trướng của quý tộc Mông Cổ đã tạo nên một đế chế rộng lớn từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải chưa từng có trong lịch sử thế giới. Đội quân vô định này chỉ bị chặn ở Đại Việt (1257, 1284 và 1287 bởi nhà Trần), Cao Ly (Korea, 1231, gắn với chiến công của hoàng tử Đại Việt Lý Long Tường) Ai Cập và Syria (1260, bởi tài chỉ huy của tướng Baibars thuộc triều đại Mameluk).
Tương ứng giai đoạn đổi triều này của bên Tầu thì bên Đại Việt 大越 cũng có sự đổi chấp chính từ Vương triều của họ Lý sang Vương triều của họ Trần.
2. Đại Việt phát triển và đổi ngôi:
2.1. Lý Vương triều củng cố nền độc lập:
Nhà (李朝, 1009 - 1225) khởi từ Lý Công Uẩn 李公藴 tồn tại tổng cộng là 216 năm. Triều đại này đã chính thức xác lập chủ quyền vùng Tây bắc Đại Việt và từng nhiều lần cất binh sang tận đất Tống thảo phạt (1022, 1059, 1060). Đặc biệt là chiến công của Lý Thường Kiệt làm cỏ châu Khâm, Liêm, Ung vào 12/1075, 01/1076, bảo vệ biên cương phía Bắc.
Chính triều đại này từng Nam tiến đánh tan quân Chiêm (1069, 1075 và 1104), kéo dài cương thổ tới sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sát nhập khu vực Hà Giang (1014); vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Bạch (Thái) ở bắc Yên Bái, nam Lào Cai (1159) vào bản đồ Đại Việt.
Nhưng do những vị Vua sau bất tài nên triều đại này suy yếu rồi dứt bởi vua nữ Lý Chiêu Hoàng (昭皇, 1224-1225).
Đại Việt thời cuối Lý đầu Trần
2.2. “Đảo chính Cung đình” chớp thời cơ, phát triển:
Vì có công dẹp loạn Quách Bốc 郭卜 năm 1209 - 1210 thời Lý Cao Tông (高宗, 1175-1210) và tôn phò thái tử Lý Sảm 太子旵 nên họ Trần (gốc làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)[3] được trọng dụng và tham gia chính trường.
 Năm 1224, Trần Thủ Độ (陳守度; 1194-1264, em họ của Trần Thừa và Trần Tự Khánh) ép Huệ Tông (có vợ là Trần Thị Dung và con gái tên là Phật Kim, được phong là công chúa Chiêu Thánh) lên làm Thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Phật Kim, tức là Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới lên 7 tuổi.
Sau đó ông đưa con Trần Thừa là Trần Cảnh (陳煚, 1218-1277, sau này là Trần Thái Tông 陳太宗), 8 tuổi, vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và họ Trần lấy ngôi vào năm 1225. Chiêu Hoàng trở thành Công chúa Thiên Hinh 天馨.
Đây là một điển hình về việc “đảo chính Cung đình” thành công mà không đổ máu.
2.3. Trần triều thay và cuộc chiến chống xâm lăng:
Nhà Trần (陳朝, 1225 - 1400) từng có một thời đại rất hưng thịnh, đã từng đại phá quân Nguyên (, 1227-1368) từng được mệnh danh bách chiến bách thắng tới ba lần (vào các năm 1258, 1285 và 1288) cũng như bình được Chiêm Thành, mở mang bờ cõi (vùng châu Ô, châu Rí ở phía Nam, thiết lập chủ quyền tại các vùng “đệm” ở Tây Bắc); dẹp loạn trong nước (người Mường ở Quốc Oai, Đoàn Thượng ở Đường Hào, Nguyễn Nộn ở Phù Đổng…). Đây cũng là triều đại mà mối bang giao gắn với 3 triều đại kế tiếp và hùng mạnh, hiếu chiến của Trung Quốc là Tống (宋朝Song, 960-1127), Nguyên (, Yuan Dynasty, Dai Ön Yeke Mongghul Ulus, 1227 - 1368) và Minh (明朝, Ming, 1368 - 1644).
Nhưng sau vương triều này sụp đổ cũng bởi nạn ngoại thích[4] và Đại Việt chuyển thành Đại Ngu do họ Hồ (胡朝, 1400 - 1407) cai quản để sau đó là 10 năm thuộc Minh (明属时代, 1407-1417).
2.4. Nước Nam vững vàng và rộng mở:
Đại Việt thời Lý-Trần là một quốc gia dân tộc độc lập có chủ quyền, từng đánh thắng những đế chế hùng mạnh, hiếu chiến thời đó là Tống (981, 1076) và đặc biệt là Nguyên Mông (1257, 1284 và 1287).
Lãnh thổ Đại Việt về đại thể là vùng Bắc Bộ và một phần Trung Bộ ngày nay. Phía đông có biển và các hải đảo; phía bắc tuy còn có những động mà sự ràng buộc của triều đình chưa chặt chẽ  những đã xác định chủ quyền chung biên giới với Trung Quốc ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây), lúc đó thuộc nhà Tống và nhà Nguyên; Tây Bắc giáp với vương quốc Nam Chiếu (Đại Lý) ở vùng Vân Nam; phía tây giáp lãnh thổ các bộ tộc Lão Qua, Chân Lạp; phía nam đã qua Hoành Sơn kéo xuống đến Thạch Hãn (Quảng Trị) sau tới Thu Bồn (Quảng Nam) giáp vương quốc Chăm Pa (Chiêm Thành).
Khi triều Tống đổ, nhiều quan lại và dân chúng nhà Tống bỏ nước sang “tị nạn” ở nơi khác, trong đó có xuống Đại Việt. Nhưng lần này (cũng như những lần di cư khác trước thế kỷ XVI) không đông và rõ như sau này ở thế kỷ XVII khi nhà Minh mất về tay nhà Thanh (清朝, 1644 - 1911) do vậy những người gốc Bắc quốc đó hòa đồng với dân bản địa và mau chóng trở thành người Việt[5]. Như vậy, thời kỳ này trên quê hương Đại Việt, ngoài người Việt cổ vùng Trung châu còn có người từ phía Bắc thiên di xuống và người phương Nam nội thuộc.
- Trích trong “Đi tìm cội nguồn và sự phát triển dòng họ Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng” đang soạn-

[1] Là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Lý. Nó ra đời năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt. Nó tồn tại không liên tục bởi triều Hồ (1400-1407). Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống Minh của Lê Lợi toàn thắng, Bắc Bình vương lên ngôi (1428), lấy lại tên nước là Ðại Việt và lãnh thổ nước ta lúc này về phía Nam đã tới Huế. Quốc hiệu Ðại Việt được giữ qua suốt thời Hậu Lê (1428-1787) và thời Tây Sơn (1788-1802). Như thế khác với Trung Hoa (tên triều đại là tên nước) bên ta nhiều triều đại vẫn cùng quốc danh.
[2] Ông là cháu 6 đời của Ngô Quyền (吳權; 898–944 .Vì có công, ông được ban "quốc tính", mang họ vua và phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công, sau lại có công nữa, được phong làm Thái úy. Ông là vị thái giám đầu tiên của các triều đại phong kiến Việt Nam có công đức và đóng góp cho đất nước.
[3] Tổ tiên họ Trần là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm ). Sau có người tên là Kinh đến hương Tức Mặc 即墨, phủ Thiên Trường 天長, sinh ra Hấp , Hấp sinh ra Lý ( , ?-1210), Lý sinh ra Thừa (1184-1234, cha Cảnh), Trần Tự Khánh (?-1223), Trần Thị Dung (1195-1259); còn em Lý sinh ra Trần An Quốc và Trần Thủ Độ (1194-1264).
[4] Giành Vương quyền nhờ có Mỹ nhân và để mất Vương quyền cũng bởi tại Mỹ nhân họ khác!
[5] Còn các đợt di cư sau này như  khi nhà Minh đổ, họ bỏ quê hương tới Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (nhằm “Phản Thanh phục Minh) hay đợt các dư đảng của Hồng Tú Tài sau khi Thái Bình Thiên Quốc (太平天國1851–1864) thất bại  kéo theo nhiều người Hoa từ Trung Quốc sang Việt Nam lánh nạn, lập nghiệp...thì khác. Họ đi đông người, hàng loạt và tới Việt họ sống khá biệt lập, tự gọi mình là “người Hoa”, “người Quảng” (Quảng Đông), “người Tiều” (Tiều Châu/Triều Châu), “người Hẹ”, “người Khách”, “người Hải Nam”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!