Người đi vỡ đất

29 tháng 10 2011

Mở đường khai phá Tây Nam Trung thổ

Hệ thống con đường tơ lụa (nguồn: BKTT mở)
Tuy Vân Nam mãi tới năm 1253 mới chính thức trở thành một tỉnh 云南等处行中书省 của Trung Quốc dưới thời Đế quốc Mông Cổ (Их Монгол Улс, 1206–1405) nhưng từ thế kỷ thứ II người Hán đã đặt chân đến đây. Người có công đầu khám phá vùng này, nối thông “Con đường tơ lụa” nổi tiếng chính là Trương Khiên (张张骞,164 tCn-114 tCn) dưới triều Hán Vũ Đế (漢武帝,140 tCn- 87 tCn).
Trương Khiên người Hán ở vùng nay là tỉnh Thiểm Tây 陕西 làm quan nhà Tây Hán (西漢, 206 tCn–9). Vì muốn tìm đồng minh khống chế Hung Nô (匈奴, các bộ lạc du cư ở khu vực Trung Á sinh sống ở khu vực thuộc Mông Cổ ngày nay), năm Kiến Nguyên thứ Hai (武帝建元二年, 139 tCn), Hán Vũ Đế cử Trương Khiên từ Lũng Tây (陇西, nay là Lâm Thao 临洮 thuộc tỉnh Cam Túc 甘肃) dẫn đầu phái đoàn gồm 100 người đi sứ sang phía Tây tìm người Nguyệt Chi (月支, hay Nguyệt Thị 月氏, người Trung Á 中西亚 cổ đại). Nhưng không may, trên đường đi, Trương Khiên đã bị người Hung Nô bắt và giam giữ, không bị giết. Tại đây ông lấy vợ, có con nhưng vẫn duy trì mối liên lạc với Hán Triều chờ cơ hội.
Sau 10 năm bị bắt, năm 129 tCn, lợi dụng lúc nội bộ Hung Nô xẩy ra nội chiến, Trương Khiên để lại vợ con, cùng với người thân tín trốn khỏi đất Hung. Họ người tiếp tục sứ mệnh thám hiểm và ngoại giao đã được Hán đế giao cho. Ông đem theo Chiếu thư ngoại giao đến các Vương quốc vùng Trung Á, Tây Vực (西域, hay Thích Tây 碛西, vùng Trung Á nay). Vượt bao trở ngại ông đã qua, tiếp kiến Quốc vương các nước: Xa Sư (车师, nay là Tân Cương) Đại Uyển (大宛,nay là Can nạp 干纳), Khang Cư (康居,nay là nước Nga),Đại Hạ 大夏,Ô Tôn 乌孙,Yểm Thái 奄蔡,An Tức 安息,Điều Chi 条支...Trải qua nhiều gian khổ, cuối cùng Trương Khiên đã tìm được người Nguyệt Chi (Đại Nguyệt Thị 大月氏)ở Thân Độc (身毒,hay Thiên Trúc 天竺,tức bắc Ấn Độ 印度 nay).Nhưng lúc này nội tình Nguyệt Chi có biến động không muốn cùng Tây hán chống Hung Nô và Trương Khiên bị người Hung Nô bắt lại vào năm 128 tCn.
Đến năm Nguyên Sóc Tam (元朔三年,126 tCn), lợi dụng Thiền Vu  匈奴单于mất, Trương Khiên thoát và về đến Trường An 长安 và phái bộ khi đó chỉ còn ông và 2 trợ thủ!.
Cuộc thương thuyết tìm liên minh bất thành nhưng thu thập được nhiều thông tin về vị trí địa lý, phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và đặc biệt là tiềm năng giao thương những vùng đất ông đã đặt chân tới. Tất cả những điều đó đều được ông ghi chép cẩn thận. Cuốn đó đã kích thích mạnh các thương gia Trung Hoa và cả vị hoàng đế tài ba, say mê củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài. Do vậy Hán Vũ Đế cho tìm và mở đường theo hướng Tây Nam tới Ấn Độ.
Con đường 西南夷道 đó gọi là gọi là “Thục Quyên Độc đạo” 蜀身毒道, trong đó Quyên Độc 身毒 là tên gọi thời kỳ đó của nước Thiên Trúc (天竺,nay là Ấn Độ) còn Thục là nước Thục (, 221-264), thuộc tỉnh Tứ Xuyên 四川 bây giờ. Con đường này có tác dụng phát triển thương mại tại vùng biên cương Tây Nam. Đây chính là bước khởi đầu của “Con đường tơ lụa” (絲綢之路,bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu, về phía Đông đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản) với tổng chiều dài khoảng 7 ngàn km sử dụng chủ yếu để buôn bán.
Sau đó vào năm 109 tCn tại khu vực này Hán Vũ Đế cho thành lập huyện Diệp Du, và đó cũng là khu vực thành lập đơn vị hành chính ở cấp huyện đầu tiên tại Vân Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!