Người đi vỡ đất

24 tháng 10 2011

Hậu Điền Quốc đến tiền Lục Chiếu

Khi Vương quốc Điền bị diệt vong, triều Hán cai trị vùng này nhưng sau đó lại bị thị tộc Thoán đến từ Trung Á cai trị rồi vùng Điền lại nội thuộc Trung nguyên dưới thời Đường.Sau đó là giai đoạn cát cứ với 6 tiểu quốc (Lục Chiếu), tiền đề cho sự ra đời của Nam Chiếu, Vương quốc vang bóng một thời.

1. Nội thuộc Hán :
Sau khi diệt Điền quốc, người Hán cai trị 汉朝治滇历史 ban đầu đặt quận: Ích châu 益州郡 sau tới Đông Hán gọi là Vĩnh Xương 永昌郡.Cũng có khi hợp với Ai Lao 哀牢 hoặc xưng tiểu quốc Bạch Tử 白子国, Kiến Trữ 建宁国
Vào thời gian đó, kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp ở Vân Nam đã được cải thiện rõ rệt. Người dân địa phương sử dụng các công cụ và cày bừa bằng đồng thau cũng như chăn thả nhiều loại gia súc, như trâu, bò, ngựa, cừu, dê, lợn và chó. Các nhà nhân loại học đã xác định là những người này có quan hệ họ hàng gần với những người mà ngày nay gọi là người Thái 蔡族. Họ sinh sống theo bộ tộc, đôi khi được những người Hán bị lưu đày đứng đầu.
Đến thời Tam Quốc (三國, Sanguo, 220-280) đây là đất Châu Trữ 宁州 và cũng là thời mà Thừa tướng 丞相 Khổng Minh Gia Cát 诸葛亮 giúp Lưu Bị dựng nước Thục 蜀国 cầm quân đánh vào Nam Trung[1] 南中 (Vân Nam) để chinh phục quân của Mạnh Hoạch 孟获 và các sắc tộc mạn Nam Trung cũng chính là các dân tộc tiền thân của nước Nam Giao...Nhờ hậu cứ Nam Trung cung ứng quân lương mà Gia Cát Lượng đã gây dựng lực lượng để thực hiện việc tiến đánh Bắc Ngụy hầu tái lập nhà Hán. Nhưng bởi nhiều nguyên do, sự nghiệp bất thành để rồi họ Tư Mã soán ngôi nhà Ngụy, dẹp Đông Ngô và Tây Thục, thống nhất được Trung Hoa để  dựng lên nhà Tấn (,280-420) sau đó.
2. Tộc Thoán cai trị:
Vào thế kỷ 4, trong thời “Ngũ Hồ loạn Hoa” (五胡, năm dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa, từ năm 304 đến 439) miền bắc Trung Quốc chủ yếu bị những bộ tộc từ Trung Á tràn sang. Vào thập niên 320, thị tộc Thoán đã di cư tới Vân Nam. Thoán Sâm (Cuan, 爨琛) tự xưng làm vua và duy trì quyền lực tại Điền Trì (khi đó gọi là Côn Xuyên 昆川, nay là Tấn Trữ 晋宁). Trong đó:
Tây Thoán 西爨 cai quản: Côn Xuyên 昆川, Khúc Ách 曲軛, Tấn Trữ 晉宁, Dụ Hiến 喻獻, An Trữ 安宁, Chí Long Hòa 至龍龢. Tây Thoán về sau gọi là Ô Man 烏蠻.
Còn Đông Thoán cai quản: Tại Khúc Tĩnh 曲靖, lộc xuyên 瀰鹿, Thăng Ma Xuyên 升麻川, Nam Chí Bộ Đầu 南至步頭, gọi là Bạch Man 白蠻
Thị tộc này đã cai quản vùng Vân Nam trên 400 năm, đến 748 chấm dứt.
3. Thời kỳ thuộc Đường:
Thế kỷ VII, trong Trung thổ, sau thời loạn lạc, Đường Cao Tổ (高祖李淵, Gāo Zǔ Lǐ Yuān, 566-635) thống nhất lại Trung Hoa để lập nên nhà Đường (唐朝, tángcháo; 618 – 907) vào năm 618, gọi vùng Tây Nam Trung thổ là Nam Ninh 南宁州,Diêu Châu 姚州 rồi Nhung Châu 戎州 (quận Vân Nam 云南郡) quản 13 châu ki mi 羈縻[2]. Đường Huyền Tông 唐玄宗 lập Phủ Đô đốc 都督府 quản 16 châu, 137 huyện sau tăng 92 châu.
Riêng địa bàn của người Bạch, người Di là hai sắc tộc chính của khu vực Nam Giao quanh hồ Nhĩ Hãi thuộc tỉnh Vân Nam hiện nay vẫn thuộc dạng tự trị, người Nam Giao ít bị sự điều khiển trực tiếp của người Hán. 
Trong các thời kỳ trên (thế kỷ II đến thế kỷ VII) vùng Tây Nam Trung Hoa này liên quan thế nào đến Lào Cai và Tây Bắc Việt Nam chưa tìm thấy tư liệu.

[1] Bao gồm: lãnh thổ của Vân Nam , Kiềm Tây 黔西 và miền nam Tứ Xuyên ngày nay.
[2] Hình thức cai trị ràng giữ, buông thả, duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn đối với các vùng đất xa kinh đô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!