Người đi vỡ đất

05 tháng 8 2011

Đã xa lìa một con sâu

Đệ Tam đại Tổ Lương Đức Hanh 第三代祖 梁德亨 nhà giầu, cai trị giỏi, từng làm Lý trưởng 里長 sau làm phó Tổng 傅總 và hậu duệ của Cụ hiện nay trên Lào Cai khá đông. Ngoài những người có công với nước, với làng còn người lầm lỗi, phải vào vòng lao lý, bị xóm làng ghẻ lạnh, thậm chí đánh, bắn chết mà chẳng mấy ai thương. Chuyện xấu lẽ ra phải giấu đi, nhưng để làm bài học cho đời sau và răn đe người khác, tôi chép ra đây. Với lại chả “vạch áo cho người xem lưng” thì cả xã, cả huyện, cả tỉnh nhiều người biết và râm ran chuyện này rồi.

Cụ phó Tổng lấy hai vợ sinh 5 nam là: Hinh (2 nam), Tuynh (8 nam), Chinh (2 nam), Thành (3 nam) con bà Cả và Trinh (2 nam) là con bà Hai. Trong những năm 1962, 1971 cháu chắt các cụ này đã lên Lào Cai, là: Lương đức Thiếp (ở Xuân Quang, chắt cụ Hinh); Lương Đức Tâm (ở Trì Quang, chắt cụ Tuynh), Lương Thị Huấn (ở Trì Quang, cháu cụ Chinh); Lương Đức Thân, Lương Đức Dật (cháu cụ Trinh, ở Phong Niên) và Lương Thị Thị (cháu cụ Trinh, ở Sơn Hải). Ngoài ra còn có Lương Đức Thuế (chút của cụ Xưng là anh trai cụ Hanh) và Lương Đức Ruẩn (chút cụ Tuấn là bác cụ Xưng, cụ Hanh) cũng ở Trì Quang.
Điều đặc biệt là chỉ hậu duệ cụ Trinh và cụ Tuấn là được học hành đầu đũa và đi công tác, thoát ly. Còn lại đều học hành dang dở. Trong số 13 trai đời thứ 7 của Lương tộc Cao Mật trên đất Lào Cai thì L.Đ.Tâm và L.Đ.Thiếp “nổi nhất” về việc “khai hoá văn minh” cho dân bản địa (!) về đường vợ con và “va chạm” với luật pháp, đã để lại nhiều giai thoại.
Lương Đức Tâm là cháu cụ Dứa, có bố là Chiểu, mẹ là Vũ Thị Tám. Bác Chiểu là người có công viết lại Gia phả ngành và đó là tư liệu chủ yếu tôi dùng để tục biên Gia phả Lương Đức Lào Cai. Về lai lịch anh Tâm có nhiều người nói nọ nói kia nhưng bố và anh em tôi vẫn trọng anh bởi vai vế, đi lại và nhiều lần giúp đỡ. Tôi rất giận bố con anh vì nói chẳng nghe nhưng nhiều bận, trong khả năng của mình vẫn phải can thiệp những gì có thể tới các cơ quan và Bệnh viện Bảo Thắng để đỡ phần nào mỗi khi gặp tai nạn.
Vợ cả ở quê, sinh 2 Nam: Đức, Lễ kinh tế khá ở lại đất cũ dưới quê (Phương Hạ, Chiến Thắng, An Lão). Bà này và 02 gái đã chuyển vào Đắc Lắc sinh sống.
Sau khi lấy vợ hai tên là Có, năm 1974, lên Lào Cai, ở Làng Mạ, xã Trì Quang, Bảo Thắng. Sinh tiếp 12 con. Do thiếu tính toán, ít vốn lại đẻ nhiều nên cuộc sống của gia đình anh Tâm khá chật vật. Cháu lớn mất trong những ngày chạy cuộc chiến 279, con cái chẳng được học hành đến đầu đến đũa. Con trai lớn (Lương Đức Phúc) bị đánh chết, mai táng tại nghĩa địa bệnh viện huyện Bảo Thắng từ năm 1989, đứa thứ ba (Phú) bị đánh rồi sau mắc bệnh chết tại BVĐK số 1 tỉnh (199x) đều bởi những lỗi chẳng đâu ra đâu!. Còn lại 3 Trai: là L.Đ.Hậu (vợ, con ngay tại Làng Mạ), L.Đ.Vương và L.Đ.Chức cùng 06 Gái (Phương, Xa, Vân, Yêu, Thương, Tới): đều không học hành gì. Cháu Vân đã vào Đắc Lắc, lấy chồng, ở trong đó.
Năm 2006 bố con L.Đ.Tâm mâu thuẫn với em họ là Đặng Văn Tăng (con Lương Thị Huấn, cô họ tôi và Đặng Văn Thoả, cháu gọi bà Nội tôi bằng cô ruột). Hoà giải không được, tôi giận từ ấy ít qua lại Làng Mạ. Sau Chức (sinh năm 1988) đánh Đ.V. Tăng. Gia đình anh Tăng không chấp nhận hòa giải và Chức bị xử tù 2 năm 6 tháng, anh Tâm án treo. Thời gian cháu thụ hình, tôi suýt khổ vì nó. Số là một hôm, vào khoảng hơn 23 giờ Chức gọi cho tôi bằng máy di động (!) nhờ xin «nghỉ phép tù» về thăm vợ con. Thấy nghi, tôi hỏi máy của ai, Chức trả lời máy đi mượn. Sáng sớm hôm sau tôi điện cho Trưởng nhà Tạm giữ đề nghị kiểm tra, nhưng Chức không khai. Tôi bảo trả Chức về Trại Tạm giam. Sau đó, Chức có tiến ộ, chấp hành tốt nội quy và dịp Đặc xá 02/9/2009, Chức được ra trại. Về nhà, theo một số phản ánh thì vẫn trộm vặt. Dân tình bức xúc nhưng không «bắt được tận tay» nên đành chịu, chính quyền cơ sở, pháp luật cũng không có cớ "sờ" đến.
Sáng 04/8/2011 tôi đang trên đường xuôi họp ở Hà Nội thì nhận tin báo Chức bị bắn chết do chủ nhà nghi vào nhà người ta rình trộm lợn. Tôi điện thoại đề nghị CA huyện và các đơn vị chức năng của tỉnh tiến hành công việc theo đúng quy định của pháp luật và cần làm kỹ, lấy được các viên đạn ghém, đạn cái trong người Chức ra ra bởi ông Tâm rất hay kiện, đã từng ăn ngủ tại trụ sở tiếp dân Mai Xuân Thưởng, Hà Nội. Đồng thời điện báo cho các em tôi ở Phong Niên, các cháu ở Hải Phòng nói rõ quan điểm của mình, yêu cầu  các em tôi ở huyện không tham gia điều tra, giám sát vụ việc này.
Nơi Lương Đức Chức bị bắn
Đầu đuôi sự việc như sau: nửa đêm 03 rạng ngày 04/8/2011 Lương Đức Chức bị người khác bắn tại khu vực gia đình ông ĐTD ở xóm Dốc Đá, thôn Làng Mạ, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Trên đường đưa đi cấp cứu bị chết.
Khẩu súng bắn LĐC
Theo gia đình thì khi khám nghiệm thấy: Vùng ngực bụng có 26 lỗ thủng da hình tròn kích thước không đều nhau đường kính từ 0,2 đến 0,4 cm trên một vùng có kích thước 40 x 35 cm tập trung nhiều bên phải; các lỗ thủng thấu vào cơ thể theo nhiều hướng khác nhau. Trong đó lỗ thủng cách lớn nhất có đường kính 0,5 cm nằm dưới trong núm vú phải 1cm, cách ngang đường trắng giữa 5 cm có hướng nằm ngang từ phải sang trái, từ trước ra sau từ ngoài vào trong. Bàn tray trái có có dính máu đã khô; ngón út có 02 lỗ thủng hình tròn đường kính 0,3 cm và ngón trỏ có 03 lỗ thủng hình tròn đường kính 0,2 cm.
Hình xăm và lỗ đạn vào
Khi bác sĩ phẫu tích các lỗ thủng dưới da vùng ngực bụng phát hiện 06 viên đạn ghém màu xám đen và khi phẫu thuật ngực bụng thăm dò theo đường đi của lỗ thủng lớn nhất thấy hướng nằm ngang từ phải sang trái, từ trước ra sau từ ngoài vào trong xuyên qua thùy dưới phổi phải, làm xẹp phổi phải rách qua màng tim ở vùng tâm nhĩ phải sượt qua cuống tim; khoang trung thất và khoang màng tim có nhiều máu cục lẫn máu không đông. Trong ổ bụng có nhiều máu đen loãng, mặt trước gan có 03 lỗ thủng: ở thùy gan phải xuyên thấu ra mặt sau gan; tại rãnh liên thùy xuyên thấu ra mặt sau gan; tại sát bờ dưới gan phải, cắt nhu mô gan nơi lỗ thủng đi qua phát hiện 01 viên đạn ghém. Các viên đạn ghém đều bằng gang, hình cầu với đường kính từ 0,2 đến 0,3cm.
Với tổn thương thấu phổi, xuyên màng tim, thủng gan như thế, chết trên đường đi cấp cứu là phải. Khi đoàn công tác của CA ra về, dân hết tò mò cũng về luôn, chẳng ai hỏi thăm, giúp gia đình. Trưởng thôn phải huy động dân quân và công an viên đi đào huyệt, khiêng quan tài chôn cất. Nghe đâu có người còn mua thịt về “ăn mừng” bởi đã đỡ đi một mối lo mất trộm!
Nhân chuyện này, nhớ lại bài khấn ngày Giỗ Tổ  năm nay tôi soạn có đoạn:
..."Đến hôm nay:
Đất lành chim đậu, Cháu con nối nghiệp tổ tông.
Ngày thêm thắm lá tươi cành; Vun tốt tươi dòng cổ thụ.
9 hộ buổi khai hoang qua 47 năm phấn đấu không ngừng,
Nay trải trong 5 huyện đang ngày càng đông đàn dài lũ.
Người công tác chăm lo thành Giáo viên, Kỹ sư, Bác sĩ, lên đến cấp cao;
Người kinh doanh, làm ruộng, làm vườn dẫu bội thu vẫn luôn gắng cố.
Người đủ ăn không lấy thế làm kiêu, lo việc nước, việc đời;
Người thiếu đói chẳng sinh đạo tặc, quyết giữ danh, giữ họ.
Người trót nhầm đường, lo làm lại từ đầu;
Người lạc lối đã tìm về đúng ngõ.
Do thấm nhuần Ân Đức tiền nhân;
Quyết đắp bồi gia phong dòng họ!"...
Cháu Chức mất bất thình lình do bị bắn bởi cháu đã phạm vào điều mà trong ngày Giỗ con cháu trong họ đã hứa với tiền nhân. Giận lắm thay!
Như cánh chim rời đàn
“Giọt máu đào hơn ao nước lã” nên rất thương cho gia đình: 7 trai thì 3 chết đều do bị đánh trong một hoàn cảnh mà hành vị, sự có mặt của nạn nhân có nhiều nghi vấn xấu. Nhưng cũng rất giận cho sự giáo dục của gia đình, sự rèn luyện của các cháu. Âu cũng là cái giá phải trả cho việc “mạnh ăn, nhác làm”. Đồng thời cũng đáng trách cho chính quyền cơ sở: tình hình vi phạm của cha con anh Tâm phải đâu lần đầu, người dân mua súng giữ trong nhà...thế mà sự đấu tranh của dân trong vùng, sự giáo dục, răn đe của thôn, xóm, xã chẳng được kịp thời, đến đầu đến đũa. Gia đình Đ.T.D từ “nạn nhân” mất trộm, con trở thành “hung thủ” nổ súng ngay khi vừa thấy bóng người, mẹ tàng trữ vũ khí trái phép,...Đây đâu chỉ là “dân trí thấp”!
Đúng là một bài học chẳng của riêng ai!

3 nhận xét:

  1. Ngày 8/8, Công an huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, cho biết đã bắt tạm giam Đại Ngọc Ánh (sinh 1992, quê xã Trì Quang, Bảo Thắng) do dùng súng tự chế bắn chết anh Lương Đức Chức (sinh 1988, người cùng thôn) với lý do nghi trộm khi người này đi ngang qua sân nhà vào đêm tối.
    Theo lời khai của Đại Ngọc Ánh, vào hồi 0 giờ ngày 4/8, tại nhà riêng của mình ở thôn Làng Mạ, xã Trì Quang, Bảo Thắng, trong khi gia đình Ánh và mọi nhà trong xóm đã ngủ say, bỗng Ánh nghe tiếng động và tỉnh giấc phát hiện có một người đi vào sân nhà mình, nghi là trộm đột nhập để trộm cắp tài sản, Đại Ngọc Ánh đã dùng súng kíp bắt chết người này.

    Trả lờiXóa
  2. Bố Đại Ngọc Ánh là Đại Thành Dậu, mẹ là Hoàng Thị Nhung đều còn khá trẻ (sinh khoảng 1961)

    Trả lờiXóa
  3. Ngày 28/12/2011 tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Lào Cai tuyên bố Đại Ngọc Ánh phạm tội “Giết người”, đã áp dụng Điều 93 khoản 2; Điều 46 khoản 1 điểm b, p và khoản 2; Điều 47 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo 6 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt từ ngày bị bắt 04/8/2011. Đồng thời áp dụng Điều 42-BLHS, Điều 610 BLDS buộc bị cáo Đại Ngọc Ánh phải bồi thường cho các đại diện bị hại 43.400.000 đ; xác nhận bị cáo đã bồi thường 25.000.000 đ, còn phải bồi thường tiếp 18.400.000 đ.
    Sau đó bị cáo kháng cáo đề nghị giảm mức hình phạt và mức bồi thường, phía gia đình anh Lương Đức Tâm kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và tăng mức bồi thường.
    Phiên tòa phúc thẩm xử ngày 27/3/2012, Tòa Phúc thẩm TANDTC đã không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đại Ngọc Ánh; Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo Đại Ngọc Ánh 7 năm tù về tội “Giết người”; hời hạn chấp hành hình phạt từ ngày 04/8/2011. Áp dụng Điều 42-BLHS, Điều 610 BLDS buộc bị cáo Đại Ngọc Ánh phải bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại khoản tiền chi phí hợp lý cho việc mai táng Lương Đức Chức là 18.500.000 đ, khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần 41.500.000 đ (tương đương 50 tháng lương tối thiểu). Như vậy bị cáo còn phải bồi thường tiếp 35.000.000 đ nữa.
    Anh Tâm vẫn ấm ức, đòi xử nặng hơn, bồi thường nhiều hơn. Nhưng tôi khuyên bản án đó hợp lý, hợp tình, chấp nhận được. Anh đã cáo tuổi (77) hơi sức đâu theo đòi kiện tụng mãi nên về viết yêu cầu đề nghị thi hành án phần dân sự thôi.
    Thế là do lỗi cả đôi bên mà một người ra đi ở tuổi 23 (LĐC sinh năm 1988), một người vào tù ở tuổi 19 (ĐNA sinh năm 1992), dở dang việc học hành (ĐNA đang học dở Đại học ở Hà Nội), tình xóm giềng sứt mẻ (gia đình Lương Đức Tâm và gia đình Đại Thành Dậu gần nhau và từng quan hệ gắn bó).

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!