Người đi vỡ đất

19 tháng 6 2011

Tuần và việc cúng tuần

Chu nhi phục thủy
Việc tổ chức cúng giỗ người mới mất tưởng như đã thành thông lệ và chắc sẽ còn duy trì lâu trong cộng đồng Việt tộc. Song xem ra hiểu biết về ý nghĩa, nghi thức tiến hành của lệ tục này cũng còn lắm vấn đề. Trong đó có việc cúng Tuần.
1. Từ quan niệm cổ truyền:
Giữa người sống và người chết là xa cách vĩnh viễn, là “Sinh ly tử biệt » (H: 生離死別, A: Separation in life and separation in death, P: Séparation du vivant et séparation de la mort) nên ngoài việc tổ chức tang ma (H: 喪禮, A: Funeral rites, P: Rites funèbres) chu đáo còn nhiều lượt cúng giỗ với ý nghĩa, nghi thức khác nhau.
Vì kính trọng người đã mất nên người ta thường nói: “nghĩa tử là nghĩa tận”. Bởi tin thuyết “Thiên nhân tương ứng” 天人相應 nên cổ nhân tin rằng mỗi ngày giờ do một ngôi sao ngự trị và có mối liên hệ giữa người thân vừa mất, ngày giờ tiến hành nghi thức ảnh hưởng đến cát hung của gia chủ. Do vậy người Việt coi trọng việc chọn giờ, ngày lành để khâm liệm 衾斂, làm lễ nhập quan 入棺, an táng 安葬, trừ phục 除服 (đàm tế 談祭), cải táng 改葬. Đây là những việc thuộc nhóm 12 việc hiếu trong 85 việc cần xem ngày theo cổ nhân.
Theo triết lý phương Đông: “Sinh ký tử qui” 生寄死歸,tức là sống gửi thác về, lại ảnh hưởng tư tưởng của Khổng Tử (孔子 hay Khổng Phu Tử 孔夫子; 551 – 479 tCn) viết trong Luận Ngữ 论语 tại Thiên thứ hai (Vi Chính Đệ Nhị, 為政第二): 生,事之以禮;死,葬之以禮, 祭之以禮- Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ , tức là “khi sống, phải thảo kính cha mẹ bằng lễ đạo, khi chết cũng phải an táng bằng lễ đạo, tế tự bằng lễ đạo. Nên có khá nhiều lễ tưởng niệm người quá cố. Đó là những lễ: chúc thực 燭食,ba ngày (三虞, lễ tế ngu), cúng cơm trong 100 ngày 朝夕面, cúng tuần 旬祭, chung thất 終七, tốt khốc 卒哭, tiu tường 小祥, đại tường 大祥, kị nhật 忌日.Những lễ này cứ theo đúng ngày mà tiến hành, dù ngày đó rất xấu, có cả trùng phục, trùng tang, sát chủ, quả tú, cô thần....
2. Đôi điều về “Tuần”:
Con người muốn tự lập và đổi mới thế giới bằng những sáng tạo của mình, cho nên ngoài đơn vị thời gian do thiên nhiên “tạo” sẵn như năm (theo chu kỳ mặt trời), tháng (theo chu kỳ mặt trăng), ngày (theo chu kỳ sáng tối), họ cần phải có cách đo lường thời gian riêng của mình. Và những chu kỳ nhân tạo này sẽ trở nên đa dạng một cách kỳ diệu. Tuần lễ (H:旬禮, A: The week, P: La semaine) là một trong những nhóm đơn vị thời gian nhân tạo có sớm nhất trong lịch sử. Việc chia thời gian thành tuần lễ là một bước tiến mới của con người trong việc làm chủ thế giới và con đường đạt tới khoa học. Tuần lễ  là một tập hợp các ngày do con người ấn định, chứ không phải thiên nhiên sẵn có.
Từ chữ “Chu” với nghĩa  周而復始 (Quay hết vòng rồi trở lại lúc khởi đầu) cho khái niệm “Tuần” . Một tuần lễ gọi là “nhất chu” 一週.
Trung Quốc cổ đại lấy Tuần là 10 ngày, ngày thứ 10 các quan được nghỉ giặt giũ nên gọi là Hoãn . Do đó chia một tháng ra ba tuần: từ mồng Một đến mồng Mười là Thượng tuần 上旬 ; từ Mười Một đến Hai mươi là Trung tuần 中旬 ; từ Hai mươi Mốt đến hết tháng (29 hoặc 30) gọi là Hạ tuần 下旬. Truyền thuyết cho rằng một năm dưới trần bằng một ngày trên trời, cho nên trong chúc thọ gọi mười năm là một tuần, như “thất tuần thượng thọ” 七旬上壽, “bát tuần thượng thọ” 八旬上壽  chỉ người thọ 70, 80 tuổi. Trong khoa Tử vi, Tử bình lấy một trong các ước số của Chu kỳ 60 ngày Can Chi là 12 ngày đặt làm Kỳ gian. Ví dụ: Tuần trung không vong 旬中空亡 gọi tắt là Tuần.
 Thời Cộng hòa Roma (509 tCn đến 27 tCn) và Haut Empire (27 tCn đến 236), tuần lễ được chia ra làm 8 ngày, ghi thứ tự từ A đến H trên những quyển lịch.
Tuần lễ 7 ngày bắt nguồn từ dân tộc Babion, Ai Cập khi họ lấy tên 7 Hành tinh sáng nhất trong hệ Mặt trời đặt tên cho các ngày, quan hệ tới bốn chu kỳ xấp xỉ 7 ngày của pha Mặt trăng (Sóc- Thư­ợng Huyền - Vọng- Hạ huyền). Các ngày trong tuần cứ kéo dài liên tục, không phụ thuộc vào tháng, năm. Sau đó cách thức này được truyền bá sang Tây Âu và ngày nay thông dụng khắp thế giới.
 Những nhà làm lịch Thiên Chúa giáo cho rằng Đức Chúa Trời sáng tạo ra thế giới liên tục trong 6 ngày, ngày thứ 7 Người  phải  nghỉ (ngày sabát) nên gọi  là Chúa Nhật và lấy tên các hành tính đặt cho. Theo khoa thiên văn thời đó, 7 hành tinh này gồm cả mặt trời và mặt trăng, nhưng không gồm trái đất. Thứ tự mà các hành tinh chi phối các ngày trong tuần là: Mặt trời (Sun), Mặt trăng (Moon), sao Hỏa (Mars), sao Thủy (Mercury), sao Mộc (Jupiter), sao Kim (Venus) và sao Thổ (Saturn). Đối với người Rôma, ngày của thần Saturn, hay Saturday, là một ngày của điềm gở, mọi công việc đều trục trặc, vì thế không nên giao chiến, cũng không nên đi lại trong ngày này.Theo sử gia Tacitusm, ngày thứ bảy được cử hành để kính thần Saturn vì “trong bảy ngôi sao chi phối công việc của loài người, Saturn (sao Thổ) có địa vị và quyền năng cao nhất”.
Khi Dương lịch truyền sang phương Đông, người Trung Quốc thấy sự chuyển vận của các ngày trong tuần 7 ngày ứng với sự vận động của Thất diệu tinh 七曜星 là: Nhật , Nguyệt , Hoả , Thổ , Mộc , Kim , Thuỷ . Do đó đã gọi “tuần 7 ngày” là chu kì của 7 sao, chu kỳ Tinh kỳ 星期  và đặt tên các ngày trong tuần theo thứ tự Tinh kỳ Nhật, Tinh kỳ Nhất, Tinh kỳ Nhị...Tinh kỳ Lục. Sang Việt Nam, ta gọi chệch là ngày Chủ Nhật và coi là ngày đầu tiên trong tuần, tiếp theo là Thứ Hai...Như vậy, tên các thứ trong tuần theo chu kỳ vòng 7 ngày không phụ thuộc vào tháng, năm. Tuần lễ dựa theo các hành tinh là một con đường dẫn tới khoa chiêm tinh và mỗi ngày (Thứ) ứng với một Sao (Nhị Thập Bát tú 二十八宿法) dùng dự đoán Cát Hung.
Bảng tên các thứ trong tuần:

T.T NGÀY
HÀNH TINH
LA TINH
ANH
TRUNG
VIỆT NAM
1
Mặt Trời
Solis
Sunday
星期日
Chủ Nhật
2
Mặt Trăng
Lunae
Monday
星期一
Thứ Hai
3
Sao Hoả
Martis
Tuesday
星期二
Thứ Ba
4
Sao Thuỷ
Mercurii
Wednessday
星期三
Thứ Tư
5
Sao Mộc
Jovis
Thurrday
星期四
Thứ Năm
6
Sao Kim
Venris
Friday
星期五
Thứ Sáu
7
Sao Thổ
Saturni
Saturday
星期六
Thứ Bẩy
Ngày thứ 7 và Chủ Nhật là ngày nghỉ của những người ăn lương và có xu hướng trở thành ngày Cúng giỗ của một số nhà, ngày họp chợ ở nhiều địa phương.
Trong khoa Tử vi, Tử bình lấy một trong các ước số của Chu kỳ 60 ngày Can Chi là 12 ngày đặt làm Kỳ gian. Ví dụ: Tuần trung không vong 旬中空亡 gọi tắt là Tuần.
Nhưng cũng có những khái niệm “Tuần” với số ngày dài ngắn không nhất định, như “tuần trăng mật”, “tuần chay”
3. Cúng tuần:
Còn gọi là tuần Thất (H: 旬七, A: The period of seven days, P: La période de sept jours) các gia đình Phật tử cúng tuần 7 ngày và việc cúng lập lại 7 lần, được thực hiện vào các ngày thứ 7, 14, 21, 28, 35, 42 sau mất và tổ chức lớn hơn cúng cơm hàng ngày (triêu tịch diện, 朝夕面) chút đỉnh. Nhiều người tin rằng đem Linh vị (H: 靈位, A: The tablet of the death, P: La tablette du mort) của người chết lên chùa để làm tuần Thất thì kết quả hơn, vì chùa thanh tịnh hơn và có nhiều chư tăng và Phật tử đồng hộ niệm cho vong linh.
Sở dĩ phải cúng tuần 旬祭 là vì cổ nhân tin rằng: Sau khi chết thì phần Phách sẽ tiêu theo xác thịt, còn lại phần Linh Hồn tinh túy. Triết học phương Đông cho rằng: người chết, sau 7 ngày thì tan một cái vía, mà con người do bảy vía 七魄 cai quản nên phải làm tuần 7 lần để cho 7 cái vía lần lượt tan hết thì mới siêu thăng được. Có thuyết còn giải thích rằng con người có 7 lỗ (thất khiếu, H:七竅, A: Seven holes of the face, P: Sept trous de la face) trên đầu mặt là: Miệng, hai Mắt, hai lỗ Mũi, hai Tai. Phụ nữ tuy có thêm đôi Nhũ hoa nhưng khi chết vẫn chỉ tính 7 lỗ. Trang Tử 莊子 nói: "Nhân giai hữu thất khiếu dĩ thị thính thực tức" 人皆有七竅以視聽食息 , tức người ta ai cũng có bảy lỗ để thấy, nghe, ăn và thở. Quá trình sống con người hấp thụ nhiều thứ. Trong đó những thứ là vật chất, thứ là tinh thần và có thứ tốt, lành, thứ xấu, độc. Do vậy khi chết muốn siêu thoát phải được thân nhân giải những thứ xấu độc đó. Mỗi ngày giải được xấu độc ở một lỗ, 7 ngày xong 7 lỗ và mỗi lỗ cần giải 7 lần nên phải cúng đủ 7 tuần. Riêng tín đồ Đạo Cao Đài lại cúng tuần 9 ngày gọi là tuần Cửu (H:旬九, A: The neuvaine, P: La neuvaine)
Thực chất đây là hình thức thấp của lễ Giải oan (H: 解冤, A: Baptism of expiation, P: Baptême de l'expiation) nhằm cởi bỏ các oan nghiệt.
Nếu có làm lễ tụng Kinh thì gọi là Trai thất 齋七. Nhưng có nhiều người chế giảm, không làm Tuần thất từ thứ 1 đến thứ 6, chỉ làm Tuần thất thứ 7 gọi là Chung thất.
Theo thuyết Thần giao cách cảm (H: 神交隔感, A: The spiritual relation, the telepathy, P: La relation spirituelle, la télépathie), ngoài điện trường vật lý đã được ứng dụng trong thực tiễn, còn có điện trường sinh học. Những cá thể có cùng tần số cảm ứng trong điện trường sinh học, mặc dầu ở cách xa nhau rất xa vẫn nhận được những nguồn thông tin của nhau. Các nhà khoa học đã vận dụng những phát triển đó để giải thích về điềm, về giấc mơ, về những biểu hiện tâm, sinh lý bất thường khi thân nhân (có thể cách nhau rất xa về không gian) có cùng tần số điện trường sinh học có sự biến bất thường. Do vậy, chết chưa phải là đã hết khi người chết còn tồn tại trong tâm trí người sống. Sau khi chết, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, thần kinh cảm giác ngừng hoạt động, vỏ não chưa bị huỷ, xung quanh hiện trường phát từ não vẫn chưa ngừng phát sóng. Lớp đất dày không ngăn được sóng điện vật lý hay sóng điện sinh học. Cá thể sống có tần số điện trường sinh học tương ứng vẫn tiếp nhận được tín hiệu, do đó hiện tượng báo mộng chưa hẳn là vu vơ, không đáng tin. Phải chăng vì lẽ đó mà các cụ cho rằng Vong hồn (H: 亡魂 - 亡靈, A: Soul of dead person, P: L'âme du mort) người mới mất còn phảng phất, chưa siêu thoát.
Cầu siêu 求超:
Khi người chết, hồn nhẹ hơn sẽ bay sang kiếp khác còn vía nặng hơn sẽ bay là là mặt đất rồi tiêu tan. Khi đó thể-phách sẽ mất và hồn sẽ ra ma, như câu Kiều: 拞卥体魄群卥精英 Thác là thể phách, còn là tinh anh” và hồn đi từ cõi dương gian đến cõi âm ty. Do muốn vong hồn người chết được mát mẻ, mau siêu thoát, những gia đình Phật tử thường làm lễ Cầu siêu (H: 求超, A: To ask the salvation of soul, P: Demander à la salvation de l'âme), cầu nguyện với Ðức Thần linh và các Ðấng thiêng liêng cứu vớt các vong hồn cho được siêu thăng lên cõi trên, thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Lễ này được thực hiện vào cuối tuần thứ 5 (35 ngày) bởi lúc đó hồn được phép về thăm nhà, rồi Siêu linh 超脫, là lên thuyền Bát Nhã (H: 船若般, A: The boat of sageness (of salvation), Dragon-boat of Caodaism, P: La barque de sagesse (de salvation), La barque en forme d'un dragon du Caodaïsme) qua miền Tịnh thổ 淨土 nếu được sư tăng tụng niệm. Phật giáo cho rằng thế giới tình thức có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên. Trong vòng 49 ngày sau khi chết, hồn người quá cố đi vào cõi tử rồi chuyển sinh vào một trong sáu tầng đó. Việc cầu siêu cho người quá cố thì sớm làm trong 49 ngày thì phúc đức lành đó mới mạnh, sau khi 49 ngày thì đã phân định, người đó sẽ theo nghiệp lực của chính họ mà vào một trong sáu cõi nói trên. Từ đó hồn xuống Thập điện Diêm Vương (H: 十殿閻王 - 十殿慈王, A: The ten Kings of Hell, P: Les dix rois de l'Enfer) và ở đây 28 tháng để chờ đi đầu thai kiếp khác.
Tục quy trên Chùa cũng xuất phát từ đây nhưng ở 蓮花寺 Liên Hoa Tự xã Phong Niên nơi mẹ tôi quy do không nắm rõ nên các già lại thường làm lễ Cầu siêu khi 49 ngày. Điều đó không sao nhưng quan trọng là trước 49 ngày.
Đồ lễ là lễ chay gồm: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè. Trường hợp chùa có thờ các vị Thánh Mẫu thì có thể dâng lễ mặn ở bàn thờ đó còn Phật điện thì tuyệt không dùng. Dịp này phải nhờ sư hoặc các vãi tụng kinh, con cháu quỳ dưới. Khi cầu siêu dùng kinh Adiđà: “Nguyện sinh vào đất Tây phương trong sạch, Hoa Sen nở chín tầng làm cha mẹ. Hoa nở thấy Phật gặp cõi vãng sinh. Lòng thành dâng Lễ, vạn tội tiêu tan, nguyện cho linh hồn thơm tho, đắc độ siêu thoát cùng gia quyến yên vui lợi lộc”. Sau lễ Cầu siêu con cháu thành tâm công đức để tu sửa chùa.
4. Lễ chung thất :
Thế tục cho rằng 49 ngày đó là thời kỳ vong linh còn mờ mịt, nổi chìm chưa định, nên phải cúng vong để giúp được chuyển sinh vào chỗ thiện. Theo thuyết của Phật giáo:  vừa mới chết, hồn người chết bị Thành Hoàng là vị thần cầm sổ bộ điạ phương phái Ngưu Đầu và Mã Diện áp tải đến tra án trong 49 ngày về những hành vi thủa sinh còn sống, qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát sẽ tự do hay bị gông cùm tuỳ theo tội trạng. Do vậy gia đình hiếu chủ đến tuần thứ 7 thực hiện việc cúng 49 ngày (終七, tức là lễ chung thất) còn gọi là thất thất lai tuần, tứ cửu 四九.
Đây là lễ quan trọng, cần chuẩn bị chu đáo. Có thể gia chủ tự cúng hay mời thầy, thỉnh sư về khấn giúp. Dịp cúng 49 ngày phụ thân tôi, gia đình nhờ thầy Kiên ở Xuân Quang lập đàn với 18 bàn ở ngoài sân sau đó có thực hiện việc hầu đồng trong nhà. Dịp đó có chuyện gieo tiền và vong nhập khá lý thú mà tôi đã chép trong Gia phả.
Làm chay: thường thực hiện trong tuần Tứ cửu đối với người chết bất đắc kỳ tử. Đàn chay lập ra gồm 3 tầng: trên cùng là tượng Tam bảo được thay bằng 3 bình hương; tiếp theo là tượng Tam phủ (Trời, đất, Nước gồm Thiên Quang, Thích Ca và Thành Hoàng; dưới cùng là ban thờ chúng sinh. Khi tiến hành có Lễ Phật, lễ Tam phủ, Cầu vong, phá ngục, giải oan cắt đoạn, phóng sinh và cúng cháo.
5. Tốt khốc :
Trong vòng 100 ngày sau khi chết, âm hồn người chết vẫn còn luẩn quẩn quanh nhà, chưa đi xa nên có cúng cơm. Sau 100 ngày hồn đã bay xa nên làm lễ cúng hết 100 ngày (卒哭, tức lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc). Thường lễ 49 ngày làm lớn, có mời thầy hay sư đến cúng thì lễ 100 ngày thu hẹp hoặc ngược lại.
Sau lễ tốt khốc, không phải cúng cơm hàng ngày và cúng tuần nữa. Đúng 1 năm sau ngày mất làm giỗ đầu, chữ là tiểu tường (H: 小祥, A: The small mourning, P: Le petit deuil).
Sự cúng giỗ là thể hiện đạo hiếu (H: 孝道, A: The duty of filial piety, P: Le devoir de la piété filiale), cốt ở cái Tâm, như người xưa đã dạy: 皇天不負好心人 “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” chứ đâu cốt ở nghi thức rườm ra, mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, mời lắm khách khứa…
- Lương Đức Mến (ST và BS, dùng trong gia tộc)-

1 nhận xét:

  1. Chị Nguyễn Thị Đê mất hồi 23 giờ 25 phút ngày 21/3/2011 tức đêm thứ Hai ngày 17/02 âm lịch tại nhà riêng ở thôn Soi Chát xã Sơn Hải. Tứ trụ tử là Bính Tý, Ất Hợi, Tân Mão, Tân Mão (trong tháng 2: từ 11 giờ 40 đêm, theo âm lịch nới tính là ngày hôm sau nên vẫn thuộc giờ Bính Tý của ngày Ất Hợi 17/2).
    Như vậy đúng 29/6/2011 tức là ngày 28/5 Tân Mão mới là ngày “Tốt khốc”. Chẳng hiểu nghe anh anh họ tôi lại cúng hôm nay, 28/6 và thanh minh để kịp các cháu bên ngoại nhà anh tối nay ra tầu về Hải Phòng.
    Kính chẳng bõ phiền là vậy.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!