Người đi vỡ đất

25 tháng 6 2011

Ngày Gia đình Việt Nam

Khi bước ra khỏi thời kỳ dã man là lúc con người biết đến một thiết chế xã hội tiên tiến là “Gia đìnhmà trong đó, các thành viên được liên kết với nhau vừa bằng quan hệ hôn nhân vừa bằng quan hệ huyết thống. Không phải đến khi Chính phủ Việt Nam quyết định có “Ngày Gia đình” thì vấn đề gia đình mới được biết đến mà đó vấn đề của mọi dân tộc, mọi thời đại.

Chúng ta ai cũng có gia đình và đó là môi trường quen thuộc bởi chính mỗi chúng ta đều là người trong cuộc. Nhưng lịch sử hình thành, vấn đề tổ chức gia đình cùng những biến động của nó và mối quan hệ trong đó thì cũng chẳng ai nói là đã nắm được hết mọi ngóc ngách sự đời.
1. Nguồn gốc gia đình:
Trong buổi bình minh của lịch sử loài người, đàn bà con gái làm việc lượm hái trái cây vừa ăn vừa để dành và đó là nguồn sống trọng yếu. Còn đàn ông đi săn bắn thì khikhi không nên phải lệ thuộc vào đồ hái lượm của đàn bà để sống. Chính vì sự nhờ nhau mà sống và nhu cầu bản năng sinh lý vốn có của muôn loài động vật mới nảy sinh quan niệm kết hôn. Nhưng đây là hiện tượng “huyết tộc quần hôn, tức một tốp những người nam cùng lứa tuổi của thị tộc này được đưa đến thị tộc khác làm chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa và con cái chỉ biết đến mẹ không bao giờ biết bố là ai.
Khi con người biết mài đồ đá cho sắc để chặt cây cối làm nhà thay hang và nung đồ đất đựng, nấu thức ăn nên đã định cư một nơi và tổ chức thành xã hội thị tộc. Nhưng do thành quả săn bắn bấp bênh nên đàn ông vẫn có vai trò mờ nhạt và việc haí lượm, trồng tỉa, chăn nuôi quanh nhà đem lại sự ổn định nên phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, có quyền và tài sản được truyền từ mẹ cho con gái. Đó là chế độ mẫu hệ 母系制度, những yếu tố hình thành nên gia đình đã hình thành và dần ổn định trong một thị tộc mang những “tínhkhác nhau.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu bảo vệ lãnh địa, chăn nuôi gia súc, cầy bừa, dẫn nước be bờ trở nên nặng nhọc là việc của trai tráng sức lực. Họ lo sản xuất lương thực thóc lúa trở nên nắm quyền, làm nền tảng cho cộng đồng. Khi ấy hôn nhân cặp đôi (hôn nhân đối ngẫu) thành phổ thông, đàn ông lấy vợ đem vợ về nhà mình, con cái đã biết cha, người đàn ông có quyền chi phối. Đó là xã hội phụ hệ 系制度 và gia đình được thiết lập rõ ràng. Cũng chính vì vai trò nam giới và việc quản lý xã hội đã hình thành việc phân “thị” , tức “họ” để phân biệt các nhóm gia đình chung một ông tổ .
Như vậy, Gia đình là một tổ chức có từ rất lâu đời, bắt nguồn từ quan hệ tình dục, sinh đẻ rất tự nhiên. Quá trình thay đổi phương thức sản xuất, cơ chế chính trị xã hội, nền văn hóa trong lịch sử mà gia đình dần hoàn thiện và thích ứng. Đồng thời từ gia đình manh nhai thời mẫu hệ chuyển lên gia đình hoàn chỉnh thời phụ hệ cũng chính là quá trình hình thành “tính” đến “thị” và tiếp sau là “tộc” với những tộc danh khác nhau.
2. Khái niệm gia đình:
Gia đình (H: 家庭, A: Family, P: Famille) là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế,...nên dưới những góc độ nghiên cứu khác nhau có những định nghĩa khác nhau. Ví dụ:
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt: là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục.
Đối với xã hội học, Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.
Điều 2 Quyết định số 72/2001/QĐ-TTG ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày gia đình Việt Nam ghi: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Luật Dân sự số: 33/2005/QH11 tại Điều 106 “ Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.”
3. Gia đình Việt Nam:
Việt Nam ở vùng Đông Nam Á, gắn với cây lúa nước và chịu ảnh hưởng văn minh Nam Á, nhất là văn hoá Trung Hoa. Đặc biệt tư tưởng Nho giáo gây ảnh hưởng mậnh đến đời sống mọi mặt của người Việt, trong đó có vấn đề gia đình.
Do vậy gia đình Việt Nam là loại gia đình chứa nhiều yếu tố ổn định (trung dung), ra đời từ văn hóa bản địa, bồi đắp bởi những tư tưởng của Nho giáo, được bảo lưu và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điển hình của gia đình truyền thống Việt Nam là ở nông thôn, trong những gia đình theo Nho học. Những gia đình đó, nhiều thế hệ sống chung trong cùng một mái nhà (thường có ba thế hệ: ông bà - cha mẹ - con cái) với người trụ cột là người chồng (hoặc người cha).
Gia đình đình truyền thống là gia đình quy mô lớn và thường có gia đình “Tứ đại đồng đường” (H: 四代同堂, A: Four generations, P: Quatre générations) với bốn thế hệ (ông bà - cha mẹ - con cái – cháu chắt) chung sống; gia đình “Tam đại đồng đường” (H: 三代同堂, A: Three generations, P: Trois générations) phổ biến hơn với ba thế hệ (ông bà - cha mẹ - con cái) chung sống. Đây thường là những gia đình của dòng trưởng, có tổ chức chặt chẽ và quanh nó có những gia đình nhỏ hoặc người độc thân. Trong những gia đình này mọi quan hệ được giữ gìn với tôn ti trật tự rất cao và thể hiện rõ vai trò người gia trưởng. Sống trong môi trường đó, mỗi thành viên rất có ý thực về việc làm của mình đối với danh giá gia đình, biết nhường nhịn, sẻ chia, lo lắng cho nhau và “chủ nghĩa cá nhân” ít có đất phát triển. Do vậy người Việt đúng nền nếp rất trung thành với gia đình, luôn sống hiếu, đễ, mong đền đáp công ơn các đấng sinh thành. Chính nhờ đó mà xã hội ổn định, trật tự.
Như vậy Gia đình truyền thống là tất cả, là trung tâm đời sống cho cá nhân, là nơi mà cá nhân nương tựa để tồn tại, phát triển. Nó có đầy đủ các chức năng tốt đẹp của gia đình: là một cộng đồng nhỏ, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, là nơi người gia trưởng phán xử các tranh chấp giữa các thành viên, là một trung tâm lo về hạnh phúc đời sống các thành viên, là nhà dưỡng bệnh cho người già, là trường học cho trẻ nhỏ và là ngân hàng trượ giúp cho mọi thành viên. Vì vây, Gia đình truyền thống đã có vai trò quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ, đạo đức, nâng đỡ cá nhân. Nhưng mặt khác nó cũng bộc lộ hạn chế là các cá nhân khó phát huy hết khả năng, phẩm chất riêng có, hạn chế sự đột phá. Xã hội càng hiện đại thì mô hình này càng bộc lộ những bất cập, mâu thuẫn. Tính ưa ổn định, giữ nếp nhà, tâm lí làng xã có những điều hay, phát huy tác dụng tốt trong một số trường hợp, nhất là những ngày đầu gian khó mở đất, lập làng, trong chiến tranh bảo vệ xóm quê. Song đó lại là rào cản cho sự đột phá trong phát triển kinh tế thời xây dựng hòa bình.
Trong xã hội công nghiệp, xu hướng Gia đình nhỏ là xu hướng tất yếu, có khả năng thích ứng nhanh với những biến đổi của xã hội.
Gia đình nhỏ là gia đình hai thế hệ: vợ chồng và con cái. Đặc biệt với các gia đình trí thức, viên chức nhà nước, công nhân, gia đình quân đội, công an, các gia đình sống nơi đô thị đều là gia đình nhỏ. Những gia đình gọn nhẹ dạng này thường rất linh hoạt, có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội, tạo điều kiện tốt cho mọi cá nhân phát triển. Nhưng mỗi gia đình nhỏ lại có vai trò ảnh hưởng đến những gia đình nhỏ khác trong cùng một chi họ, dòng tộc nên ý nghĩa gia đình nhỏ với xã hội không hề “nhỏ”.
Trong hối hả cuộc sống, cha mẹ không có thời gian hoặc rất ít thời gian để chăm sóc con cái, con cái mải lo làm ăn ít chú ý tới bố mẹ, ông bà. Ngày nay, tính tự chủ mỗi thành viên cao hơn, có mối quan tâm khác nhiều hơn do vậy các chức năng của gia đình truyền thống đã không thích hợp và thể hiện đầy đủ trong gia đình nhỏ. Trong các chức năng của gia đình thì chức năng suy giảm nhất là chức năng giáo dục con trẻ và chăm sóc ông bà. Đầu tư nhiều cho con cái học hành nhưng lại đẩy mọi việc cho nhà trường, cho gia sư; gửi tiền cho cha mẹ nhưng thuê người giúp việc...Chính vì vậy gia đình nhỏ bộc lộ mặt trái là quan hệ giữa các thành viên, với gia tộc lỏng lẻo hơn, nhiều giá trị tốt đẹp bị mai một.
4. Giữ gìn truyền thống gia đình Việt Nam:
Cho đến nay, qua 46 năm, nhân ngày gia đình vẫn nhớ bài thuộc lòng thủa Cấp I gắn với sinh hoạt gia đình rất gần gũi:
Mỗi ngày sau bữa cơm chiều,
Dưới đèn một cảnh thương yêu quây quần.
Mẹ em sàng gạo dưới sân,
Cha nghe em đọc từng vần từng câu.
Bé em chạy trước chạy sau…
Nay cảnh đó không còn nữa! Các bà (tuổi 50) đâu còn nhớ và có thời gian kể cổ tích cho cháu mà thực ra bố mẹ cháu cũng chẳng muốn phiền bà, lo tìm gia sư, Ô sin trông và kèm con…Con cháu mải những thú giải trí thời @ đâu tơ tưởng đến những trò chơi cổp truyền đầy tính nhân văn và chúng cũng ngại về quê, nơi còn thiếu đủ thứ! Vai trò người gia trưởng đâu còn giữ ý nghĩa quyết định nữa; các bà vợ, chàng rể, nàng dâu nhiều lúc quá bình đẳng mà trở nên mất nhuần nhị.
Nhưng để níu giữ và bảo vệ gia đình, người dân tự gíac và được chính quyền ủng hộ, khuyến khích, định hướng nên đã xây dựng nhiều cách làm hay. Từ hình mẫu “Gia đình truyền thống”, trong những năm qua, cùng với phong trào  xây dựng nếp sống văn hoá làng xã, khu dân cư, đơn vị, cơ quan chúng ta đã quan tâm hơn đến việc xây dựng dòng họ và gia đình văn minh, phù hợp. Chính vì vậy đã xuất hiện những danh hiệu đẹp như “Gia đình có truyền thống cách mạng”, “Gia đình có truyền thống văn hóa”, “Gia đình có truyền thống hiếu học”…
Trong xã hội hiện đại, các mặt kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều biến động. Kéo theo nó là nhiều chuẩn mực đạo đức, nếp sống đã thay đổi, thậm chí trái ngược và sẽ còn đổi thay nữa. Trong điêù kiện đó, nhiều gia đình bị tan vỡ, lỏng lẻo, xói mòn bởi những văn minh vật chất thời kĩ thuật số cuốn trôi những quan niệm, nếp nghĩ, cách sống cũ. Trong hoàn cảnh đó, Gia đình là “pháo đài bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trước các cám dỗ, cạm bẫy của cuộc sống đầy nghịch lý thời hiện đại” và cùng với Gia Tộc là phòng tuyến, tầng tầng lớp lớp, để bảo vệ nền nếp gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc, …của chúng ta.
Trong quá trình xây dựng gia đình hiện đại, mối quan hệ “Ngũ thường”, “Tam cương”; các phẩm chất “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, “Tứ đức”, “Tam tòng” mang những nội dung mới. Nhưng những giá trị truyền thống được hình thành, chắt lọc, thử thách qua bao đời, được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương, được trải nghiệm qua những tháng năm cơ cực, nhọc nhằn đã bám rễ sâu trong mỗi gia đình, vẫn có sức sống mãnh liệt, sẽ luôn đồng hành và vẫn có ích soi rọi mỗi bước đi, cách nghĩ của từng người. Một trong những cách hiệu quả là tiếp tục duy trì tốt việc gặp gỡ các thành viên trong gia đình, gia tộc dịp Giỗ, Tết với hình thức thích hợp cùng với việc sưu tầm tư liệu lập Gia phả cho từng Gia đình, toàn Gia tộc.  
Chăm lo xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, kết hợp giữa tính hiện đại và tính truyền thống trong việc xây dựng nếp sống lành mạnh trong gia đình … là những nét đẹp và hướng phấn đấu của văn hóa thời nay.
- Nhân Kỷ niệm 10 năm ngày Gia đình Việt Nam-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!