Người đi vỡ đất

27 tháng 1 2011

Khi khấn đều niệm "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"

Hằng ngày khi cúng giỗ dẫu có cả hương hoa trầu quả lẫn mâm mặn (được đặt ở tầng dưới của ban thờ) lúc khấn, người Việt thường mở đầu bằng câu “Nam mô A Di Đà Phật” tới 3 lần. Nhưng tìm hiểu mãi tôi mới phần nào hiểu được ý nghĩa của 6 từ này và tại sao cỗ cúng có thức ăn mặn vẫn niệm Phật?
1. Câu "Nam mô A Di Ðà Phật" gồm 6 tiếng, được gọi là Lục tự Di Ðà 六字彌陀. Nguyên thuỷ đây không phải từ chữ Hán 漢字mà là từ chữ Phạn 梵語; sa. sasktā vāk . Trong Lục tự đó có 3 nhóm:
- “Nam mô”: là chữ phiên âm từ tiếng Phạn: Namah, chữ Hán 南無đọc theo âm Hán Việt là Nam vô, nhưng người Việt quen đọc là Nam mô. Tương đương tiếng Anh: Veneration to và tiếng Pháp: Vénération à. Nghĩa là: “qui y, cung kính, đỉnh lễ”. Nhà Phật còn có: "Vô minh" 無明 nghĩa là ngu si không có trí tuệ; "Vô lậu" 無漏 chỉ phép tu dùng trí tuệ chân thật trừ sạch cỗi rễ phiền não ; "Vô sinh" 無生 nghĩa là tu chứng tới bậc nhẫn được không có pháp nào sinh ra nữa.
Nguyên nghĩa của từ “Nam mô” là như thế, nhưng thông thường người ta dùng làm tiếng khởi đầu cho câu cầu nguyện. Thí dụ: “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”....
- “A Di Đà”  phiên âm Hán Việt từ tiếng Phạn: amitābha và amitāyus, sang Trung Quốc viết là 阿彌陀  dịch nghĩa là  "ánh sáng vô lượng"; amitāyus có nghĩa là  "thọ mệnh vô lượng". Người Việt cứ nguyên âm Hán Việt mà đọc, tương đương Anh: Amitābha vàtiếng Pháp: Amitabha. Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết đây là tên của một vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Đại thừa. A Di Đà trụ trì cõi Cực lạc (sukhāvatī, 安樂國) ở phương Tây. Phật A Di Đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí tuệ. Đức Ngài vốn tiền thân là Thái tử Kiều Thi Ca, bỏ ngôi, xuất gia đi tu chứng thành quả Phật là A Di Ðà. Ngài có 48 Đại nguyện mà hai lời đại nguyện đầu là quan trọng nhất:
“Lúc tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi có Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh thì tôi không ở ngôi Chính giác”.
“Lúc tôi thành Phật, nếu hàng Nhân Thiên trong cõi nước tôi, sau khi thọ chung, còn trở lại sa vào ba đường ác đạo thì tôi không ở ngôi Chính Giác”.
Chính vì hai lời đại nguyện nầy mà Ðức Phật A Di Đà mãi mãi không bao giờ ở ngôi Chính giác, bởi vì : Có Thiên đường thì phải có Ðịa ngục, có Thiện thì phải có Ác, có Tiên Phật thì phải có Quỉ Ma. Nếu Ma Quỉ bị tiêu diệt hết thì cán cân Công bằng thiêng liêng gãy đổ, Luật Tiến hóa của Vũ trụ ngưng lại, thì đó là một cuộc đại sụp đổ của Càn Khôn, tức là sụp đổ Thượng Ðế. Ðiều nầy không thể xảy ra được vì Thượng Ðế thì hằng hữu bất biến.
- “Phật” gốc là chữ viết tắt của Phật Đà 佛陀, đây là danh hiệu phiên âm từ tiếng Phạn hoặc Pali buddha sang Hán-Việt; dịch ý là Giác giả 覺者, tức “ là người hoàn toàn tỉnh thức”. Tương đương tiếng Anh là Buddhahood, tiếng Pháp là: Bouddha, người Việt còn gọi  "Phật" là "Bụt".  Như đức "Thích ca" 釋迦 bỏ hết công danh phú quý, lìa cả gia đình, tu hành khắc khổ, phát minh ra hết chỗ mê lầm của chúng sinh, để tế độ cho chúng sinh, thế là Phật. Vì thế nên những phương pháp ngài nói ra gọi là "Phật pháp" 佛法, giáo lý của ngài gọi là Phật giáo, người tin theo giáo lý của ngài gọi là tín đồ Phật giáo.
Như vậy “Nam mô A Di Ðà Phật” nghĩa làĐem thân tâm qui ngưỡng Đức Phật A di đà Kính lễ đấng giác ngộ vô lượng”, cũng có nghĩa là: “Con quay về nương tựa vào đấng giác ngộ vô lượng”. Đó chính là câu nói của chúng sinh khi hướng về Phật, qui y tín thuận, quyết chí vâng theo lời Phật dạy, xin gửi trọn đời mình cho Phật
2. Đức Phật A Di Đà đã phát đại nguyện rằng nếu có chúng sinh nào nhất tâm bất loạn mà niệm danh hiệu của ngài, thì lúc lâm chung ngài sẽ cùng chư thánh chúng phóng quang đến tiếp dẫn, để được sinh vào cõi Cực lạc.
Tin thep Phật, các Phật tử coi niệm Phật là một phép tu trong Phật giáo. Niệm Phật là tưởng nhớ đến danh hiệu Phật, để suy nghĩ đến đức hạnh của chư Phật mà noi theo tu tập, luôn sửa đổi để tâm tính ngày càng tốt hơn; làm tâm hồn lắng dịu, bỏ dần tính ác, phát triển hạnh lành, quên đi đau buồn sợ hãi, đời sống được an vui, đem lại thiện nghiệp cho mình và mọi người. Các con nhang đệ tử còn thường dùng câu niệm Phật này để chào nhau.
Bởi vậy dân gian tin rằng bằng cách nhất tâm niệm danh hiệu của Ngài : "Nam mô A Di Đà Phật", để trau dồi đức hạnh và xoa dịu những khổ đau cho mình và những người chung quanh, mong một cuộc sống Cực lạc hơn. Từ xưa cũng như hiện nay ở quê tôi các Phật tử đa phần là các bà các cô và việc học giáo lý nhà Phật theo kiểu truyền khẩu nên "bắt chước" là chính. Do vậy tình trạng "tam sao thất bản" không còn là chuyện lạ. Chùa Liên Hoa  莲花寺 ở xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai  khởi dựng từ 1982 và được Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cấp văn bản số 55/SNV-TG ngày 27/01/2010 công nhận là nơi thờ tự đạo Phật và mẹ, dì tôi là những thành viên tích cực. Song khi khấn thường hay thêm "Con niệm" và trước 6 chữ Di Đà, thành ra "Con niệm Nam mô A Di Đà Phật"! Các cụ đều tin thế mới thành kính và mới thấu đến Phật!
Do vậy khi khấn cúng những gia đình Phật tử hay cả những người không theo tôn giáo ở ta đều có thới quen niệm câu Lục tự Di đà đó 3 lần vào đầu bài khấn và 3 lần vào cuỗi bài khấn. Dẫu cỗ cúng có cả thịt, thức ăn mặn, điều này không vi phạm Phật pháp chỉ tăng lòng thành kính khi cầu cúng. “Tâm thành tất linh ứng”!.
-Lương Đức Mến (tham khảo từ nhiều nguồn, soạn lai)-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!