Người đi vỡ đất

13 tháng 12 2010

Một số điều CẦN TRÁNH khi soạn Gia phả

Soạn Gia phả là việc của Nội tộc, hà cớ vấn ngoại nhân!. Nhưng không phải gia đình, dòng họ nào cũng hội đủ điều kiện làm việc này. Khi soạn (Tục biên hoặc Chính biên) cần tránh các khuynh hướng sau:

1. “Thấy người sang bắt quàng làm họ”: khi “vấn Tổ tầm Tông” thấy nhân vật lịch sử nào “Dương danh hiển gia” lại gần nơi mình sống liền chép luôn là Viễn tổ, Thuỷ tổ họ mình cho sang, có vẻ thuộc dòng “Cao môn lệnh tộc”. Do vậy mới có chuyện cứ họ Phạm vùng Hải Dương, Hải Phòng đều là hậu duệ cụ Phạm Ngũ lão, họ Lương là con cháu Lương Thế Vinh, họ Vũ là từ Vũ Hồn...

2. Gắn “địa linh” là nơi khởi nguồn dòng họ, chi phái hay nói là mả phát cũng là cách đề cao vị thế họ nhà mình. Việc này dễ dẫn đến nhầm hay tranh chấp mộ!

3. “Râu ông nọ cắm cằm bà kia", nhầm lẫn thế thứ, đời nọ chép sang đời kia, em chép thành anh., anh em thành bố con hay nhầm nhân vật, ví như Lương Vinh nhầm với Lương Thế Vinh. Hoặc những bài thơ, câu đối tổ tiên chép lại từ nguồn khác gán thành di cảo, di ngôn của cha ông mình!

4. Dùng lối “thậm xưng” khi nói về công đức, chức tước tiền nhân. Ví như dòng họ tôi có bài Hạ Thập kỳ nói cụ Tổ từng “lĩnh ấn Nguyên nhung” nhưng tôi khảo cứu mãi mà thời cụ sống không thấy có nhân vật cỡ như thế quê vùng xứ Đông mang họ “Lương”.

5. “Toàn tộc thập toàn” do người soạn không tôn trọng tính chân thực: che dấu cái xấu, nhất là những trường hợp “bất đạo, loạn luân, loạn tông, tuyệt nghĩa, nhục tiên” 不 道, 亂 倫, 亂 宗, 絕 義, 辱 先 (lệ “bất thư” 不 書). Do vậy các “con rơi” không được chép, con không phải huyết thống bởi “cá vào ao” lại chép, đời sau chả biết đâu mà lần.

6. “Lược giản tối đa” trở nên khó hiểu với hậu thế. Ví như chỉ ghi ngày mất, không ghi năm hoặc ghi năm theo Can chi, không chú rõ triều đại nên sau này không thể đoán định được mốc thời gian theo dương lịch.

7. “Bất bình đẳng”, thiếu nhất quán giữa các chi phái, đặc biệt là ít chép về nữ nên cháu ngoại đôi khi mới 3 đời đã thấy mù mờ, xa lắc, nữ nhân có công cũng rơi vào quên lãng.

8. Sai chính tả, sai, thừa, thiếu nét, viết ngọng, phiên âm, dịch sai... dẫn đến nhầm, đôi khi là nghiêm trọng.

9. Thiếu kiến thức lịch sử, vốn sống, ngôn ngữ cổ, địa danh cũ, không phân biệt được đâu chữ Nôm, đâu chữ Hán, không rõ điển cố... nên chép sai, dịch sai Gia phả còn giữ được.

10. “Thần bí hoá” nên thiếu tính khoa học và ngay con cháu trong họ cũng chưa từng biết đến Gia phả. Do vậy khi có sự cố không may xẩy ra với Từ đường, Trưởng tộc là mất luôn Gia phả, khó thể phục hồi được!


...
Nói cho cùng, nếu tâm sáng, trí thông, toàn gia ủng hộ thì chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa các khiếm khuyết của cuốn gia phả soạn nên!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!