Người đi vỡ đất

14 tháng 11 2010

Tài liệu về cội nguồn các từ chỉ tên "Họ"

Tiếng Việt có bốn từ chỉ tên họ: Tính 姓,Thị 氏, Tộc 族, và Họ 户. Trong đó, “họ” là từ Nôm, còn ba từ kia là Hán Việt. Mỗi từ đều có quá trình hình thành khác nhau, có thể dùng lẫn cho nhau nhưng bản thân mỗi từ (chữ) lại mang một ý nghĩa khác nhau.

1. Dưới chế độ mẫu hệ mà chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn (một tốp những người nam cùng lứa tuổi của thị tộc này được đưa đến thị tộc khác làm chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa) thì con đẻ ra không biết bố, mà chỉ sống với mẹ và loài người chưa có họ, chỉ có tên. Sau này, khi hình thành “họ”, trong Hán tự đã tạo ra chữ "Tính" 姓 bằng cách ghép chữ “Nữ” 女 với chữ “Sinh”生. Chữ 姓 này ký hiệu nói rõ một gia tộc đã sản sinh ra một con người nào đó và được giải thích trong “Thuyết văn giải tự” 說文解字 của Hứa Thuận (許慎, khoảng 58-147) là “Nhân sinh dĩ vi tính, tòng nữ sinh"

2. Từ xã hội mẫu hệ phát triển sang xã hội phụ hệ, chế độ hôn nhân càng chặt chẽ hơn, hôn nhân đối ngẫu. Khi đó, con cháu ngày một sinh ra nhiều hơn, đã biết đích xác bố đẻ và khi trưởng thành, lập gia đình rồi độc lập thành những chi phái riêng, mỗi chi phái có ký hiệu riêng của mình, đó là Thị 氏. Như vậy, nếu như Tính 姓 bắt nguồn từ xã hội mẫu hệ thì Thị 氏 lại là sản phẩm của xã hội phụ hệ. Sau khi ra đời xã hội có giai cấp, thì Thị chẳng những là ký hiệu phân nhánh của Tính, mà còn là tiêu chí minh chứng địa vị thân phận nòi giống của người đàn ông. Do vậy, nhu cầu đặt ra Thị là để “quý công đức, tiện kỷ lực” hoặc là lấy chức quan là “họ”, hoặc lấy nghề nghiệp làm “họ”…Theo lịch sử Trung Quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 tCn, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một “gia tính” hay “tộc tính” để dễ phân biệt các hệ phái gia đình và định phép tắc hôn nhân. Ðến thế kỷ thứ V trước Công nguyên ở Trung quốc đã có hai loại “gia tính” được dùng: 姓"tính” là họ gốc, do cha truyền con nối hoặc do vua ban dành cho nam giới; 氏 "thị” là họ cành, tức tên đặt khi mới sanh dùng cho cả nam lẫn nữ. Giới quý tộc vừa có 姓 Tính vừa có 氏 Thị; dân giã thì chỉ có 姓 Tính. Khi ấy, con của bậc vương giả thì gọi là vương tử, cháu gọi là vương tôn, con của chư hầu thì gọi là công tử, con của công tử là công tôn.... Từ đó phát xuất“bá”hoặc “bách tính”百姓. Đàn ông xưng 氏“thị” để phân biệt sang hèn, đàn bà xưng “tính” để phân biệt hôn nhân.

3. Từ thứ ba là "Tộc" 族 mà theo Tự điển Thiều Chiểu nghĩa gốc của chữ 族 là "Loài, dòng dõi, con cháu cùng một liêu thuộc với nhau". Từ cha, con đến cháu là ba dòng ("tam tộc"三族). Từ ông cao tổ đến cháu huyền gọi là chín dòng ("cửu tộc"九族). Tộc có liên hệ với nhà và dưới chế độ phong kiến, nối kết con người với đất ruộng: một mái nhà, một gia đình, một họ. Họ và tên của một người định vị trí của cá nhân người đó trong xã hội, xác định cá thể trong một toàn thể.“Họ” là để phân biệt huyết thống, cho ta thấy nguồn gốc ông cha..., “tên” để phân biệt người này với người khác.

4. Riêng từ “Họ” là từ thuần Việt. Các cụ ta xưa đã mượn chữ “Hộ” 戶 (nghĩa là “ nhà, gia đình”) của Hán tự để ghi âm chữ này.

Như vậy trong bốn từ tiếng Việt chỉ tên họ: Tính 姓; Thị 氏, Tộc 族 và Họ 户 thì “họ” là từ Nôm, còn ba từ kia là Hán Việt.

5. Theo cách hiểu phổ thông của dân gian, tên họ là thành phần đứng đầu của tên, và nếu định nghĩa theo chức năng thì tên họ là tên để chỉ một gia tộc phụ hệ gồm những người cùng liên hệ huyết thống xa gần với nhau. Như vậy, Tính, Thị, Tộc có nghĩa giống như Anh ngữ dùng các từ: Surname, Last name, Family name để chỉ tên họ.
Trong thực tế, thường dùng hai từ Tộc và Thị để viết gia phả: Nguyễn Phước tộc Lược biên, Lương tộc gia phả, Lê Tộc, Lê thị Gia phả; Chữ Tính thường đi chung với tính danh, bách tính. Như vậy, với Việt ngữ, Tính, Thị, Tộc có nghĩa giống như Anh ngữ dùng các từ: Surname, Last name, Family name để chỉ tên họ.Do ảnh hưởng của Nho giáo, người Việt cũng như người Hoa rất coi trọng “họ” bởi tư tưởng “kính tông pháp tổ” 敬宗法祖. Đổi họ có nghĩa là thay đổi tổ tông, đó là điều sỉ nhục lớn nhất. Cho nên viết sai họ là một sự xúc phạm, nên cần viết đúng. Muốn truy tầm về Thuỷ tổ mỗi dòng họ phải lần tìm lại cổ thư, nhất là các tài liệu viết, nghiên cứu về “Họ” và “Tên” người.

6. Trong các bộ môn khoa học, có một môn nghiên cứu tên riêng của người, động vật, sự vật được gọi là Danh xưng học (H: 名稱学,A: Onomastics hay Onomatology).

Ngành khoa học này có phạm vi nghiên cứu rất rộng lớn, bao gồm mọi khu vực địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, và mọi thời đại lịch sử. Danh học được chia làm hai ngành: Địa danh học (H: 地名学, A: toponymy) nghiên cứu về tên nơi chốn thuộc môn địa lý học và Tính danh học (H: 姓名学, A: Anthroponymy hay Anthroponomastics) nghiên cứu về tên con người, thuộc khoa nhân chủng học.

7. Nước ta nằm ở Đông Nam châu Á lại ảnh hưởng nhiều của văn hoá Trung Hoa, nhiều tư liệu vốn đã hiếm hoi lại bị Bắc quốc đem về trong những cuộc Nam chinh, đặc biệt là cuộc xâm chiếm của Đại Minh (明朝, 1368-1644) với Đại Việt (khi đó mang quốc hiệu Đại Ngu, 大虞) diễn ra thời nhà Hồ (胡朝, 1400-1407) vào năm 1407.

Hơn nữa, dù không phải dân gốc từ Trung Quốc sang nhưng rất nhiều người Việt mang họ mà tên chỉ họ đó xuất phát từ Trung Quốc. Điều này có thế do: bị áp họ, do bắt chước hay do quan lại cai trị đặt cho...Do vậy không có cách nào khác là phải tìm hiểu tài liệu từ Trung Quốc. Tất nhiên chỉ giới hạn những tài liệu viết từ các thế kỷ xa, đã được thực tế kiểm nghiệm, khảo chứng.

8. Với những gì còn lại thì tác phẩm đầu tiên viết về tên họ người là cuốn “Trần Lưu Phong tục truyện” của Giang Vi thời Tấn (晉朝, 265-420). Nhưng khi tìm hiểu lai lịch các dòng họ tôi thấy tác phẩm hay được nhắc đến nhất lại là các cuốn viết sau như:

- Cuốn “Nguyên Hoà Tính Toản” 元和姓纂 của Thái thường Bác sĩ Lâm Bảo 太常博士林宝soạn năm Nguyên Hòa Thất niên(宪宗元和七年, 812) thời Đường Hiến Tông (唐宪宗, 806-820) ghi lại nguồn gốc các tên họ trong triều đại này và được tập hợp trong 10 quyển. Sách này được chép lại trong Vĩnh Lạc đại điển (永樂大典) khi Minh Thành Tổ (明成祖, 1360-1424) giao cho 2.000 học giả thực hiện vào đầu thời nhà Minh (明朝, 1368-1644) từ năm 1403 đến năm 1408. Về sau, Hoàng đế Càn Long (清高宗, 1736-1795) nhà Thanh (清朝, Ch'ing ch'ao, 1644-1911) giao cho 361 học giả do Kỉ Quân và Lục Tích Hùng đứng đầu, biên soạn Tứ khố toàn thư 四库全书 trong khoảng thời gian từ 1773 đến 1782 thì những nội dung đó đã chép lại thành 18 quyển (trong tổng số 36.381 quyển của bộ Đại Bách khoa đó). Đời sau biên tập, bổ sung thành Nguyên Hòa tính toản tứ giáo kí 元和姓纂四校记, rồi Nguyên Hòa tính toản tứ giáo kí hậu 元和姓纂四校记书后.

- Tiếp là cuốn Thị tộc chí 氏族志 do một nhóm tác giả soạn đời Đường Thái Tông (唐太宗, 626-649) dưới thời nhà Đường (唐朝, 18/ 6 /618 – 4/6/907) khởi từ năm Trinh Quan Thập Nhị niên(贞观十二年, 639)với hơn trăm quyển sau được cải sửa, soạn lại nhiều lần. Đến thời Võ Tắc Thiên 武则天 (周,16 tháng 10 năm 690 – 3 tháng 3 năm 705) đổi thành “Tính thị lục” 姓氏录. Đường Trung Tông (唐中宗,705-710) tiếp tục chỉnh lý và sau này Đường Huyền Tông (唐玄宗, 712-756) cho soạn thành Tính tộc hệ lục 姓族系录 gồm 200 quyển.

- Đặc biệt cuốn Bách gia tính 百家姓, nghĩa là họ của trăm nhà được soạn vào đầu thời Bắc Tống (北宋, 960-1279). Sách thu thập tới 411 họ sau tăng đến 504, gồm 444 họ đơn (gồm một chữ: Triệu 趙, Lý 李,...) và 60 họ kép (gồm hai chữ như: Tư Mã 司馬, Gia Cát 诸葛, Hạ Hầu 夏侯...). Hiện nay có khoảng 800 họ phát sinh từ văn bản gốc này. Toàn bộ văn bản, tê các họ được xếp vần điệu và có thể đọc lên như một bài thơ 4 chữ một câu, vì vậy thủa trước trẻ em Trung Quốc sử dụng tác phẩm này để học vỡ lòng bên cạnh cuốn Tam Tự Kinh 三字经, Thiên Tự Văn 千字文. Các sách này được người đời sau suy tôn “Tam bách thiên” 三百千. Các triều đại sau có sửa đổi thứ tự sắp xếp các họ, tuy câu cuối: “百 家 姓 終” (Bách gia tính chung) đóng vai trò câu kết cho toàn văn bản vẫn được giữ nguyên.

- Cũng phải kể đến cuốn “Danh hiền Thị tộc ngôn hành loại Cảo” 名贤氏族言行类稿 -名贤氏族言行类稿 do Tuần phủ Giang Tô là Tống Chương Định 宋章定 soạn, gồm 6 quyển, được lưu truyền, in và tái bản các đời sau. Trong SƠ THẢO TÍNH DANH HỌC VIỆT NAM của Nguyễn Long Thao (http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=45) thì tác giả này được chép là Trương Định (?)
(Lương Đức Mến Biên soạn từ nhiều nguồn)

Tài liệu về nguồn gốc các chữ chỉ "họ" và cội nguồn tính danh các "họ" rải rác và phần lớn lại của người Hoa, tư liệu chữ Việt hầu như rất ít. Có lẽ cũng là điều đáng buồn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!