Người đi vỡ đất

25 tháng 9 2010

Đặc sản quê tôi: Thuốc lào

Thực ra nói vậy nhưng đó là đặc sản quê Thuỷ tổ ở bên Tiên Lãng chứ Chiến Thắng, An Lão quê tôi bên này sông Văn Úc những năm 1960 thế kỷ XX có trồng nhưng rồi bỏ.

Sách Vân Đài loại ngữ 蕓臺類語页 của Lê Quý Đôn 黎貴惇 và Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿志 phần sản vật tỉnh Hải Dương, gọi cây thuốc lào là 相思草 Tương tư thảo hay 烟草 Yên thảo: "Cây thuốc lá nguyên sản xuất ở Lữ Tống (Lucon), thực tên nó là Tạm-ba-cô (Tobaco, thứ rau mọc ở ao đầm như lan). Sách “Xích kinh hoặc vấn” nói: "Thuốc lá, đem hút hơi khói vào hay nuốt thuốc đi đều say cả". Xét ở nước Nam ta, vốn xưa không có thứ thuốc ấy. Từ năm Canh Tí niên hiệu Vĩnh Thọ (1660) đời vua Thần Tông nhà Lê, tức là vào khoảng năm Thuận Trị thứ 17 Trung Quốc, người nước Ai Lao (Lào) đem giống cây ấy đến, dân ta mới đem trồng. Năm ất Tị đời Cảnh Trị (1665) hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt những người trồng thuốc bán thuốc, hay hút thuốc giấu, mà không tuyệt được."

Thế mới có chuyện: người dân giấu thuốc, hút trộm trong ống tre cột nhà làm cháy cả hàng dãy phố và đó là khởi nguồn của câu “Yêu ai như thể thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Thời xưa, ngoài miếng trầu là đầu câu chuyện, thuốc lào cũng được đem ra để mời khách, hút thuốc lào còn được gọi là ăn thuốc lào. Thuốc lào sau khi gieo trồng và thu hoạch chủ yếu được chế biến thủ công, lá được rửa, lau sạch rồi thái, xắt nhỏ ra bằng cầu thái, phơi khô rồi hồ, đóng thành bánh.

Ở Việt Nam, nó được trồng chủ yếu để hút. Ngoài ra, thuốc lào còn dùng làm phụ gia khi ăn trầu (cô Thị tôi ăn trầu thuốc nổi tiếng). Tuy được trồng rộng rãi ở khắp nơi nhưng chỉ vài vùng được xem là cho sản phẩm thuốc lào nổi tiếng, như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến An (Hải Phòng). Thuốc Tiên Lãng nổi danh đến mức sách Đồng Khánh địa dư chí ghi “thuốc lào xã An Tử Hạ là thứ thuốc thuộc loại ngon nhất” để tiến vua còn dân gian thì truyền nhau rằng:

Thuốc lào chồng hút vợ say,
Thằng bé châm điếu lăn quay ra nhà,
Có ông hàng xóm đi qua,
Hít phải khói thuốc say ba bốn ngày”
.

Trong những năm 1966, người dân An Phong, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai đã về quê mang giống lên trồng những chắc không hợp chất đất nên chất lượng kém, sau bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!