Người đi vỡ đất

10 tháng 6 2024

Hiểu thêm về TẾT ĐOAN NGỌ

Trước ngày 5/5 Âm lịch hằng năm, mấy gia đình phố tôi thường mua hoa quả, rượu cái về để thực hiện nghi thức truyền thống: cúng Tết Đoan ngọ. Việc này là theo truyền lại từ ngàn xưa bởi câu ca: “Tháng Tư đong đậu nấu chè; Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng Năm”.

Đây là cái Tết mà cổ nhân nói chữ là Đoan Ngọ (A: Dragon Boat Festival, P: Festival des bateaux-dragons, H: 端午)  hoặc Đoan Dương 端陽 là một ngày Tết truyền thống tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông.

Về mặt ngữ nghĩa, “Đoan nghĩa là đầu, đầu mối, khởi đầu, mở đầu,… “Ngọ” là khoảng thời gian buổi trưa, tháng 5, giữa trưa. Đoan ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày Hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc. Tiết hạ chí 夏至 là tiết khí khởi đầu từ điểm giữa của mùa hè, nó là một trong 24 tiết khí trong nông lịch, khoảng ngày 21 - 22/6 hàng năm mà năm 2024 là thứ Sáu ngày 21/6 tức 16/5 Giáp Thìn cũng là kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (năm 1925).

Trong ngày này có nhắc đến “sâu bọ” (A: bugs, P: Insectes, H: ) là từ chỉ loài động vật  không xương sống ở lớp Insecta có sáu chân, đến bốn cánh và bộ xương ngoài bằng kitin.  Cơ thể chúng có ba phần, ba cặp chân, mắt kép và một cặp râu; chúng còn được gọi là “côn trùng”. Chú ý rằng, Tết Đoan ngọ thì nhiều nước Á đông có nhưng gọi là “Tết giết sâu bọ” chỉ riêng có ở Việt Nam.

Vì sao Tết Đoan ngọ được gọi là ngày diệt sâu bọ? Đây là ngày khởi động cho việc diệt trừ những loài sâu bọ phá hoại mùa màng, chuẩn bị cho một vụ mùa mới, đồng thời cũng diệt sâu bọ trong cơ thể - các loài vi sinh vật gây bệnh vốn hoạt động mạnh vào mùa nóng ẩm.

Về nguồn gốc Tết diệt sâu bọ, dân gian Việt Nam kể rằng, thuở xa xưa, có một năm mùa vụ bội thu, người dân đang vui mừng thì bỗng sâu bọ lại kéo đến phá hoại, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được gây thiệt hại nặng nề. Mọi người rất lo lắng không biết cách gì thì bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục.

Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi.

Đôi Truân dặn dò thêm: sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ông đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ” có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Từ đó, ngày Tết Đoan Ngọ trở thành một ngày lễ truyền thống của người dân Việt Nam.

Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên đán, có lẽ đây là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân... vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về. Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra, còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương:  quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi hết bệnh tật.

Tại Trung Quốc, Tết Đoan ngọ gắn với nhiều câu chuyện hấp dẫn, trong đó phổ biến nhất là chuyện về vị quan - thi sỹ Khuất Nguyên (屈原, 340 tCn - 278 tCn) của nước Sở (楚國, 1030 tCn–223 tCn) thời Chiến quốc (戰國時代, TK III tCn-221 tCn). Ông làm chức Tả Đồ 左徒 cho Sở Hoài vương (楚懷王, 355 tCn- 296 tCn) không chỉ là vị trung thần cương trực mà còn là một nhà văn hóa lớn. Từng soạn ra Sở Từ (楚辞, tuyển tập thi ca lãng mạn đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc) và Ly tao (離騷, là một bài thơ nổi tiếng thuộc thể loại phú, tự thuật về thân thế, tài hoa cùng chí hướng của bản thân, chỉ trích những kẻ mà ông gọi là tiểu nhân, thể hiện tâm trạng bi phẫn vì bị quân vương xa lánh, nhưng cũng đồng thời khẳng định rằng ông thà cố chấp chọn cái tốt, thà chết chứ quyết không thông đồng với kẻ gian) chính vì vậy mà không ít kẻ ghét, dèm pha ông, Sở Hoài Vương dần dần xa lánh ông và phái ông đi sứ nước Tề (齊國, là một quốc gia chư hầu của nhà Chu từ thời kỳ Xuân Thu đến tận thời kì Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, tương ứng với nước Lỗ 魯國 thời cổ hay đại bộ phận tỉnh Sơn Đông 山東 nay). Về sau, khi được tin Sở Hoài Vương bị vua Tần 秦王 là Chiêu Tương vương (秦昭襄王, 325 tCn – 251 tCn, trị vì: 306 tCn - 251 tCn) lừa sang hội rồi bắt giữ và hãm hại (299 tCn), còn Dĩnh Đô   thì bị quân Tần vây khốn, lại bị vua Sở Tương Vương 楚襄王 nghe lời gian thần bắt Khuất Nguyên đi đày, ông uất ức nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5/5 Âm lịch. Dân làng ở đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho cá và các linh hồn của ma quỷ không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng mái chèo của họ. Sau để tưởng nhớ, cũng là tỏ lòng thương tiếc một con người trung nghĩa.Vào ngày này hàng năm, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, bên ngoài quấn chỉ ngũ sắc (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để tế bái Khuất Nguyên.

Hằng năm vào ngày này, người Trung Quốc thường làm bánh bá trạng và thả trôi trên sông bày tỏ lòng thương tiếc, kính trọng và tưởng nhớ Khuất Nguyên trung nghĩa.

Thực tế, giờ cúng Tết Đoan ngọ của các gia đình, vùng miền có thể không giống nhau. Tuy nhiên, xét theo quan niệm truyền thống, cúng vào giữa trưa là chuẩn nhất trong khoảng từ 11h đến 13h của ngày 5/5 Âm lịch.

Trước đây, nhiều nơi ở Việt Nam, vào sáng sớm trẻ em (trong đó có chúng tôi) được tắm nước mưa ngoài trời (để diệt rôm sẩy) và trẻ em gái đến độ tuổi cũng chọn ngày này mà xâu lỗ tai, mọi người thưởng thức hoa quả đầu mùa: đào mịn lông tơ; mận đủ mùi chua ngọt; chuối ta mập mạp; dưa hấu bổ dọc như những chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát, lóng lánh như lân tinh; dứa còn nguyên cái mũ miện xanh rờn óng bạc, lòng nó vàng tươi khêu gợi. Và đương nhiên không thể thiếu món rượu nếp.  Giữa trưa hôm ấy thì các gia đình làm cỗ cúng gia tiên,  rồi đi hái lá mùng năm. Tục hái lá thuốc mùng 5 cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm. Lá cây cỏ được thu hái trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi… đem về ủ rồi rửa sạch phơi khô, để sau đem nấu nước uống. Dân gian cho rằng uống thế thì lành.

Lại có nhiều người đi lấy lá Ngải cứu, năm cầầm tinh con nào thì kết hình con thú nǎm ấy như năm Tý thì kết hình con Chuột, năm Sửu kết con hình Trâu, năm Dần kết hình con Hổ,… treo ở giữa cửa, để trừ ma quỷ và về sau ai có bệnh đau bụng thì đốt lấy tro dùng làm thuốc sắc uống.

Ngày nay, với nhịp sống hiện đại đầy bận rộn, nhiều người không có điều kiện về nhà buổi trưa nên giờ giấc cúng Tết Đoan ngọ cũng dần linh hoạt hơn. Nhiều nhà chỉ cúng vào buổi sáng sớm trước khi đi làm với lễ vật đơn giản gồm hương hoa, trái cây, có thể có cơm rượu nếp, bánh gio. Những nhà có điều kiện dùng bữa trưa với nhau vẫn làm mâm cỗ tươm tất và cúng vào chính ngọ. Một số gia đình cầu kỳ sẽ thắp hương vào sáng sớm để cho mọi người ăn trái cây, rượu nếp giết sâu bọ trước, trưa mới làm mâm cơm cúng gia tiên và các vị thần linh

Dịp Tết Đoan ngọ , theo dân gian trong lễ cúng gia tiên thường có các loại hoa quả và cơm rượu. Trong đó cơm rượu  (hay còn gọi là rượu cái) được lên men từ cơm nếp. Món ăn này được chế biến bằng cách nấu gạo nếp cho chín, sau đó để nguội và ủ với men rượu trong 3 - 4 ngày cho lên men. Thành phẩm thu được là cơm rượu có vị cay nồng, ngọt, mùi thơm nồng đặc trưng của rượu.

Đồ ăn này,  nếu sử dụng đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe: phòng ngừa bệnh đái tháo đường do chứa nhiều chất xơ, gluxit, vitamin nhóm B, protit, lipit cùng nhiều loại khoáng tố khác, bồi bổ sức khỏe, làm giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, giúp giảm đáng kể lượng cholesterol có hại trong máu; giúp chống oxy hóa, dưỡng ẩm và làm trắng da. Đặc biệt, tác dụng của cơm rượu với hệ tiêu hóa thể hiện khá rõ ràng, nó bổ sung chất xơ và axit giúp thúc đẩy tiêu hóa, ngăn ngừa hiện tượng khó tiêu, đầy bụng, giúp đường ruột vận động trơn tru. Ngoài ra rượu cái chứa hàm lượng sắt phong phú, nhất là cơm rượu được làm từ nếp cẩm. Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cơ thể sản xuất tế bào hồng cầu, ngăn ngừa chứng thiếu máu do thiếu sắt.

Tuy nhiên người ăn cơm rượu vì đã được lên men lượng quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói có thể bị say bởi trong đó chứa nồng độ cồn nhất định. Do vậy người dân cần lưu ý khi sử dụng loại thực phẩm này, tốt nhất nên nghỉ ngơi ít nhất nửa tiếng, rồi mới tham gia giao thông để tránh vi phạm quy định về nồng độ cồn. Hơn nữa, theo Đông y, cơm rượu có vị cay nên không thích hợp với người thể nhiệt vì sẽ dễ dẫn đến cơ thể bốc hỏa, lưỡi đỏ buốt, da nổi mụn, khó ngủ. Bên cạnh đó với trẻ em, những người đang gặp vấn đề về dạ dày, người có tiền sử dị ứng, mắc bệnh chàm, da nổi nhiều mụn,... không nên ăn nhiều cơm rượu.

Tóm lại, bỏ gì thì bỏ, bận mấy thì bận, ngày “giết sâu bọ” cũng không nên bỏ qua nhưng mỹ tục, những cây cỏ, thức ăn bổ dưỡng, đầy tác dụng, dễ làm, dễ kiếm,… mà cha ông ta đã tích luyện bao đời.

-Lương Đức Mến, 05/5/Giáp Thìn-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!