Người đi vỡ đất

31 tháng 5 2024

Nghĩ về TAM ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG

Những tưởng vấn đề gia đình hạt nhân gia đình đa thế hệ đã được bàn luận nhiều và ai cũng hiểu, thực thi đúng. Nhưng hóa ra còn lắm chuyện!

Chúng ta đều biết rằng, khi bước ra khỏi thời kỳ dã man, hoang dã là lúc con người từ cuộc sống đơn thân 單人 đã biết đến thiết chế Gia đình (家庭, nhà và sân) mà mầm mống có từ cuối thời Công xã nguyên thủy (原始公社, ~ 4000 năm tCn). Khi đó chế độ quần hôn 羣婚 với tình trạng tính  giao bừa bãi tan rã, hình thành chế độ đơn hôn 單婚, hôn nhân đối ngẫu 對耦, một vợ một chồng. Đó là một thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, gắn bó nhau bằng nghĩa tình, huyết thống xây dựng thành một tổ ấm tinh thần và vật chất để thực hiện chức năng sinh học, kinh tế, văn hoá, xã hội, tín ngưỡng, giáo dục và giữ gìn bản sắc.

Đã có gia đình, theo truyền thống Việt Nam, là ắt có gia bản 家本, gia thất 家室, gia đường 家堂, gia đạo 家道, gia pháp 家法, gia lễ 家禮, gia phong 家風, gia phả 家譜…. Nhờ đó gia đình Việt Nam mới tồn tại lâu bền, đằm thắm và khác gia đình bên Âu, Mỹ.

Trong buổi sơ khai của xã hội loài người, con người chỉ tiếp xúc quanh quẩn trong “hang”, “động”, “trại” với số lượng thành viên hạn chế thì phân biệt và gọi nhau bằng tên là đủ, giống như phân biệt các thị tộc, vùng đất. Quá trình tiến hoá, từ những đơn nhân hình thành nên gia đình mẫu hệ 母系, gia đình phụ hệ 父系 tiến tới Thị tộc 氏族, Bộ lạc 部落 tức dần đã có khái niệm “họ”. Cứ liệu thành văn cho rằng: tục đặt “họ” của người Việt là ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ và nó diễn ra khi Sĩ Nhiếp (士燮, 137-226) làm Thái thú Giao Chỉ 交趾太守 (187-226) trong thời Bắc thuộc (北屬時代207 tCn-939).

Khi đã hình thành “họ” (từ khi chế độ công xã nguyên thủy tan rã ) thì nhiều gia đình cùng huyết thống, có “chung tộc danh về phía bố” tập hợp lại thành Gia tộc (家族, đại gia đình), gồm có một chi trưởng 長支nhiều chi thứ 次支. Thiết chế dòng họ đảm bảo chế độ ngoại hôn 外昏法 và thờ phụng Tổ tiên 祖先崇拜. So với nhiều hình thức liên kết khác như: cư trú (khu phố, làng xóm…), lợi ích (giai cấp, phường hội…), lý tưởng (tôn giáo, đảng phái…)… thì liên kết dòng họ là liên kết theo nhóm huyết thống và là hình thức tập họp sớm, tồn tại lâu dài, có vai trò chi phối cá nhân ở nhiều lĩnh vực, mức độ khác nhau.

Các thành viên trong họ, một ít sống tập trung 羣居, đa số các gia đình cư trú xen với các gia đình, dòng họ khác trong một xóm, một thôn là tổ quán . Nhưng cũng nhiều gia đình chuyển cư 转居 đi nơi khác bởi mưu sinh, điều động (của chính quyền, các tổ chức đoàn thể) hoặc phải phiêu cư bạt tán 漂居跋散 vì lý do chính trị,...

Gia đình (cấu thành nên dòng họ) chính là những tế bào của xã hội, là xã hội thu nhỏ. Khi được lớn lên trong chính ngôi nhà thân yêu của mình, trẻ con sẽ hình thành nhân cách tốt và học hỏi được những kỹ năng cần thiết khi giao tiếp với bên ngoài. Dựa trên cách ứng xử qua lại giữa ông bà với cha mẹ, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu chắt và giữa họ với nhau, trẻ sẽ nắm được cách ứng xử với mọi người xung quanh; biết được thế nào là tôn trọng, lễ phép và biết giúp đỡ người lớn tuổi, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người xung quanh, biết kính trên nhường dưới, biết nhường nhịn, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên. Chính gia đình là môi trường tốt để con trẻ được thể hiện và phát triển những đức tính xã hội và hình thành nhân cách ngay từ khi còn nhỏ.

Trở lại vấn đề TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ Hán tự là 四代 同堂 tức  “bốn đời cha, con, cháu, chắt” (đời ông, cha, mình và con) cùng ở với nhau. Điều đó ban đầu là Tam đại (H: 三代, A: Three generations, P: Trois générations) tức ba đời người nối tiếp nhau trong một gia đình (đời ông, cha, mình hay cha, con, cháu) cùng sống trong một nhà. 

Tứ đại (đờicá biệt có Ngũ đại (5 đời) là mô hình gia đình lý tưởng thời xưa cũ. Hiện nay phố biến là gia đình Nhị đại (2 thế hệ, bố mẹ và các con) và có chăng là Tam đại (3 thế hệ), ít Tứ đại và vắng hẳn Ngũ đại đồng đường.

Trong phạm vi bài nay, xin bàn v mô hình tương đối phổ biến, thích hợp và dễ nói là vấn đề TAM ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG ( 同堂, ba đời: ông, bà với bố, mẹ cùng con cái ở chung một nhà) tại nơi, trong hoàn cảnh không quá khó khăn vê việc tách hộ.

Gia đình 3 thế hệ cùng chung sống là mô hình đông hiện đại mà trong đó gồm ông bà, cha mẹ và con trẻ cùng sinh sống. Đây là cái nôi của tình yêu, là sợi dây gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn cả.

Cái lợi của mô hình này là: trẻ con nhận được chăm sóc yêu thương từ ông bà, chúng sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, ngược lại là cảm giác vô cùng an toàn và ấm áp. Chúng được hướng dẫn, dạy bảo từ ông bà cha mẹ; được phép nói lên ý kiến của riêng mình, được học cách giao tiếp cởi mở và trung thực. Từ đó, trẻ sẽ dễ dàng hơn khi giao tiếp và không còn gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với tất cả mọi người. Trong hoàn cảnh đó, trẻ được dạy bảo về giá trị truyền thống, tinh thần tương thân tương ái, hướng về cội nguồn, yêu thương quê cha, đất tổ, trân trọng lịch sử, quá khứ; phát triển hoàn thiện hơn, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi. Việc sống chung với ông bà cũng giúp trẻ giảm được nguy cơ sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Ngược lại, người già được quan tâm, đỡ cảm thấy cô đơn, thừa thãi mà yên tâm, yêu đời hơn và dù cao tuổi họ vẫn học cách dùng Điện thoại thông minh, Máy vi tính,… để liên lạc, cập nhật thông tin; học ngoại ngữ ,…để giao tiếp và vì vậy khoảng cách thế hệ được xích lại và xóa bỏ. Bản thân mỗi người, nhất là người già “chậm lão hóa”, dễ hòa đồng và bớt “khó tính”, quên nay, nhớ xưa… hơn.

Để giữ cân bằng giữa các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ thì bậc “trưởng thượng” bao giờ cũng phải làm gương trước con cái, cháu chắt, phải biết phân biệt đúng sai, phải nắm được tâm lý của từng người,... mới có thể dễ dàng dạy dỗ, bảo ban, biết “đem những tinh hoa của thế hệ đi trước truyền dạy lại cho con cháu mai sau giữ gìn và phát huy”. Do đó cần có hiểu biết, kinh nghiệm, địa vị xã hội và kinh tế nhất định, không nên bảo thủ, áp đặt hay ba phải.

Đồng thời những người ở giữa cũng bớt dở dở ương ương hơn! 

Trong những gia đình đó, nhịp sống như chậm lại và những đứa trẻ gần hơn với những giá trị truyền thống từ nhiều đời tích cóp, lưu truyền lại, tự thy trưởng thành hơn và người cao niên như trẻ hơn trên nhiều phương diện!.

Mô hình gia đình đa thế hệ thể hiện sự hòa thuận, gắn bó về tình cảm theo huyết thống. Các thành viên trong gia đình có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ; trao đổi về những thông tin, kỹ thuật mới, những giá trị truyền thống tốt đẹp cũ; về người cao tuổi, về giới trẻ, về chính trị thời sự xã hội,...

Nhưng mô hình gia đình lớn cũng bộc lộ nhiều hạn chế mà hạn chế lớn nhất là sự gò bó, bất tiện, thiếu sự riêng tư,…nhất là trong đời sống đương đại.

Trong cuộc sống hiện đại, mô hình gia đình hạt nhân 2 thế hệ (bố mẹ và con cái) đang là xu hướng chung, ưu tiên phát triển nhằm thoải mái trong sinh hoạt và phù hợp với nhịp sống sôi động của thời @, san lấp những gò bó, bất tiện, phiền phức và khó chịu trong đời sống hàng ngày do cách biệt về tuổi tác, lối sống, quan điểm, tính cách, học thức, công việc.  

 Nhưng không vì thế mà mô hình gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” mất đi. Trái lại, vấn đề gia đình đa thế hệ vẫn cần duy trì và phát triển. Tất nhiên, ở một tầm mới.

Tuổi thọ con người cao hơn nhưng tuổi kết hôn của “nam thanh nữ tú” cũng cao hơn nên các gia đình kiểu 1, 2 hay, 3, 4 thế hệ cũng có những “biến đổi mới.

Nếu tính trung bình mỗi thế hệ cách nhau 20-30 năm thì gia đình 2 thế hệ thường là ở tuổi 27 – 5 tuổi, 3 thế hệ là 60 - 27 - 5 tuổi, 4 thế hệ là 90 - 60 - 27 - 5 tuổi và khi cháu (chắt) nhận thức tương đối (nghĩa là cỡ 10 tuổi) thì tuổi các thế hệ Cụ - Ông Bà - Bố Mẹ - Con – Cháu sẽ là 100 - 70 - 40 - 10 và như thế là “già” ! Lớp 100, 70 ngày càng “khó tính”, “bảo thủ”, lứa 40 “bận trăm công ngàn việc”, còn lít nhít 10 tuổi thì suốt ngày cắm đầu vào sách vở, điện thoại di động (nhất là Tiktok) và vui bạn bè!   

Gia đình 3 thế hệ là mô hình 3 thế hệ (ông bà - bố, mẹ - con cái) cùng chung sống hạnh phúc, hòa thuận dưới một mái nhà vẫn luôn là lựa chọn tốt. Đó chính là nơi tốt nhất để lan tỏa những giá trị yêu thương; lưu giữ những giá trị truyền thống và kết nối với cuộc sống hiện đại; gia tăng thấu hiểu và gắn kết các thành viên trong gia đình; làm nền tảng cho sự hình thành, phát triển nhân cách của con cháu nói riêng và thế hệ trẻ nói chung. Muốn vậy, cần có sự thấu hiểu và cảm thông từ cả 2 phía, đặc biệt là từ phía những người trẻ. 

Chú ý rằng, người lớn tuổi thường tủi thân khi cho rằng mình không giúp ích gì cho con cháu nên con cháu sẽ không yêu thương mình. Họ cần được quan tâm, thể hiện qua lời nói nhẹ nhàng, thái độ vui vẻ khi ở bên cạnh ông bà, cha mẹ. Vật chất, tiền bạc hay mâm cao cỗ đầy với người lớn tuổi không còn quan trọng nữa. Tre không có măng hay măng sâu thì chẳng bao giờ vui nổi!.

Nhưng với người cao tuôi, khi còn khỏe, còn có thể làm việc một số việc phù hợp, …thì nên làm, trước hết tập trung chăm cháu tức lo cho con của con mình, để bớt phần phần gánh nặng cho con; để bản thân đỡ cảm thấy già”; để mọi người (con cháu, họ mạc và xã hội) khỏi lo lắng về kinh tế, sức khỏe cho mình.

Phần tôi, tôi đã cố gắng thực hiện như những điều tôi tâm đắc, trước mắt là rèn luyện trí não (nhận thức, tư duy, làm chậm quá trình lì não, già hóa) bằng chăm đọc báo (Nhân dân, Lào Cai theo cung cấp của cấp ủy, báo Công an nhân dân, An ninh, An ninh Thế giới, Văn nghệ Công an theo đường cấp của Hội Cựu CAND,...); chịu khó lướt mạng Internet hay soạn viết bài trên Blog, Facebook, Zalo,…; đối nhân xử thế,…, nhưng hiệu quả ra sao do mọi người nhận xét, đánh giá!

-Lương Đức Mến, soạn trước ngày 01/6/2024 và sau khi Mẹ đẻ đã về làng-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!